Tích cực chăm lo đời sống người có công với cách mạng

BHG - Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.

Đảng, Nhà nước đã không ngừng xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Các chính sách đó từng bước được luật hóa thành hai pháp lệnh: Pháp lệnh phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và “Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”. Hai pháp lệnh về người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ ra đời là cơ sở, căn cứ quan trọng để Nhà nước và nhân dân không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, giúp cho họ từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

 Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tặng quà gia đình bệnh binh tại thị trấn Vinh Quang. Ảnh: Yên Hoa

Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tặng quà gia đình bệnh binh tại thị trấn Vinh Quang. Ảnh: Yên Hoa

Tính đến năm 2023, nước ta đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Từ ngày 1.7.2024 mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng (mức cũ là 2.055.000 đồng). Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Nhiều cơ sở sự nghiệp, chăm sóc sức khỏe được xây dựng phục vụ các đối tượng chính sách. Nhiều nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sỹ đã được xây dựng, trong đó có nhiều nghĩa trang trở thành những công trình văn hóa - lịch sử của đất nước như: Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn; Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên... Đây vừa là sự nỗ lực lớn, vừa thể hiện là sự tri ân của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công với đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, giải quyết. Tình trạng sai sót đối tượng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ còn diễn ra ở một số địa phương. Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào, tôn vinh người tốt, việc tốt. Chế độ trợ cấp ưu đãi nhìn chung còn thấp. Đời sống của gia đình chính sách tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, học hành và việc làm của con em chưa được bảo đảm. Những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách xảy ra ở một số nơi, gây không ít phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trong điều kiện mới, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp như tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, giá trị to lớn của việc thực hiện công tác chính sách xã hội nói chung, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công nói riêng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Giải quyết dứt điểm tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, tránh thiệt thòi cho những thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, tránh những bức xúc không đáng có trong xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sỹ, quy tập hài cốt liệt sỹ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Động viên nhân dân, huy động nguồn lực với phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”, cùng các biện pháp phong phú, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202408/tich-cuc-cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-b45585e/