Tích cực chống gian lận xuất xứ

Hiện nay, Bộ Công thương chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước (C/O ưu đãi); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được ủy quyền cấp các loại C/O còn lại. Từ đầu năm đến tháng 10 vừa qua, các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi đã cấp hơn 882 nghìn bộ C/O các loại, trị giá hơn 59 tỷ USD, tăng 9% về số lượng hồ sơ và tăng 34% về kim ngạch hàng hóa được cấp C/O ưu đãi so cùng kỳ năm 2018. Quy trình, thủ tục cấp C/O ưu đãi luôn được Bộ rà soát, điều chỉnh phù hợp nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), đồng thời quản lý rủi ro trong hoạt động cấp C/O ưu đãi.

Trong hơn 150 nghìn bộ C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường ASEAN, cơ quan hải quan các nước ASEAN đề nghị xác minh 49 bộ C/O, chủ yếu là kiểm tra ngẫu nhiênKết quả xác minh cho thấy, hàng hóa được cấp C/O đều đáp ứng quy tắc xuất xứ. Tỷ lệ C/O bị hải quan nước nhập khẩu yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Các lô hàng được cấp C/O Việt Nam đều đáp ứng điều kiện được cấp.

Theo Bộ Công thương, hơn 20 năm qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều FTA nhưng tỷ lệ gian lận xuất xứ (GLXX) trong xuất khẩu vào các thị trường này không đáng kể, như thực tiễn cấp C/O ưu đãi thời gian qua đã chứng minh. Chỉ khi mức chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ nước khác rất lớn hoặc mức chênh lệch thuế tuy nhỏ nhưng dung lượng thị trường nhập khẩu lại rất lớn, cho nên lợi ích bất chính thu được đủ lớn thì mới xuất hiện động cơ GLXX.

Trong nhiều trường hợp, dù không có GLXX, nước nhập khẩu vẫn có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" nếu hàng hóa sử dụng đầu vào từ một nước mà họ đang áp thuế nhập khẩu cao. Vì vậy, DN cần thường xuyên theo dõi cảnh báo của Bộ Công thương về những mặt hàng đang có nguy cơ bị điều tra "chống lẩn tránh" để chủ động, linh hoạt sử dụng nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Ðể tăng cường ngăn chặn, phòng, chống GLXX hàng hóa và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 39/2018/TT-BCT ngày 30-10-2018 quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa (XXHH) xuất khẩu. Theo đó, trao quyền chủ động kiểm tra, xác minh XXHH cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống GLXX hàng hóa. Bộ Công thương chủ động tổ chức kiểm tra tình hình thực thi pháp luật trong lĩnh vực XXHH đối với các cơ quan, tổ chức cấp C/O, qua đó siết chặt công tác này. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu (như cơ quan Hải quan Ðức, cơ quan chống gian lận của EU, Hàn Quốc…) kiểm tra, xác minh xuất xứ các mặt hàng như tấm pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng, thép, nhôm, tôm, lá tía tô… Tập huấn cảnh báo cho các cơ quan, tổ chức cấp C/O và DN bằng cách thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, có văn bản cảnh báo, đôn đốc các tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt lưu ý một số mặt hàng có nguy cơ cao về GLXX hàng hóa (lốp ô-tô, hạt dẻ cười, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men…). Xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra của các đối tác thường xuyên điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động chi tiết triển khai Ðề án 824 (Quyết định số 824/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-7-2019 phê duyệt Ðề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và GLXX") tập trung vào công tác xây dựng danh sách cảnh báo; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; rà soát quy định về xuất xứ; tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài.

Có một thực tế là, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi GLXX nhiều khi rất nhỏ so với số tiền chênh lệch thuế, chưa đủ tính răn đe. Do vậy, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần đề xuất sửa đổi khung hình phạt quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt trong lĩnh vực XXHH với mức tiền phạt gấp nhiều lần mức chênh lệch thuế tính theo trị giá lô hàng xuất, nhập khẩu đối với hành vi sử dụng chứng từ C/O giả. Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn chặn hiệu quả các hành vi GLXX.

TÙNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42459702-tich-cuc-chong-gian-lan-xuat-xu.html