Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế

Năm 2024, Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính trong các khuôn khổ khu vực quan trọng như ASEAN, ASEAN+3, hợp tác tiểu vùng... qua đó, góp phần xây dựng một khu vực tài chính ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp Giám đốc WB khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Mariam Sherman sáng 13/12.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp Giám đốc WB khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia Mariam Sherman sáng 13/12.

Triển khai cam kết trong các hiệp định và thỏa thuận thương mại

Năm 2024, triển khai cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại song phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định biểu thuế.

Trong đó, nổi bật như: Nghị định số 05/2024/NĐ-CP ngày 24/01/2024 của Chính phủ ban hành Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2023–2024; Nghị định số 81/2024/NĐ-CP ngày 04/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022–2027; Nghị định số 131/2024/NĐ-CP ngày 15/10/2024 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Irael giai đoạn 2024–2027.

Trên cơ sở Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) đã được ký kết ngày 28/10/2024, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai cam kết tại Hiệp định. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án đàm phán về thương mại hàng hóa trong FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (VN-EFTA FTA).

Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành liên qua chủ động đàm phán nâng cấp về thương mại hàng hóa đối với một số FTA đã ký kết, như: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); đàm phán mới về thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính đối với Hiệp định ASEAN – Canada (ACaFTA); đàm phán Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF).

Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và đa phương

Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và đa phương trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+3, APEC.

Trong đó, nổi bật như tháng 4/2024, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 28, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 11 (AFMGM) và các hội nghị liên quan đã được tổ chức từ ngày 4-5/4/2024 tại Luang Prabang, Lào. Phát biểu tại Hội nghị AFMGM 11, liên quan đến nội dung hội nhập thị trường tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam đã thể hiện quan điểm, nguyên tắc của Việt Nam về đàm phán dịch vụ tài chính. Cụ thể: thị trường dịch vụ tài chính ASEAN cân bằng giữa mức độ mở với yêu cầu quản lý an toàn, ổn định; mở cửa thị trường trong ASEAN đạt được kết quả tốt, nhưng cũng đã có những dấu hiệu hết dư địa, chủ yếu do nguyên nhân về chênh lệch trình độ phát triển, năng lực giám sát quản lý; định hướng tiếp theo cần chú trọng hơn tới nâng cao năng lực thực thi cũng như quản lý giám sát, đảm bảo an toàn ổn định của thị trường. Đối với tài chính xanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng, cần có thay đổi nhận thức về sự chuyển đổi của nền kinh tế sản xuất theo hướng xanh, yêu cầu có các bước đi kỹ thuật để chuẩn bị hệ sinh thái tài chính xanh để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế.

Tiếp đó, ngày 17-18/12/2024, tại thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) đã nhóm họp dưới sự đồng chủ trì của Lào và Hàn Quốc. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Bùi Văn Khắng khẳng định các chính sách vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng cao, dự kiến 7,0% trong năm 2024 và phấn đấu 8,0% trong năm 2025; Việt Nam tiếp tục cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN+3, đóng góp tích cực vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của khu vực.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính cũng chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, triển khai các giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài nhằm bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước; nguồn lực tài chính xanh, tài chính cơ sở hạ tầng, tài chính chuyển đổi năng lượng, định giá các-bon, tài chính rủi ro khí tượng thủy văn, tài chính mở và số hóa tài chính bao trùm.

Đẩy mạnh hội nhập tài chính quốc tế

Trong năm 2025, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo đó, bám sát diễn biến, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Bộ Tài chính tiếp tục chủ động tham gia đàm phán, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác trong Tiến trình hợp tác tài chính khu vực và đa phương trong ASEAN, ASEAN+3, APEC, G20, ASEM, hợp tác với các tổ chức quốc tế, hợp tác tiểu vùng; tiếp tục đàm phán thuế quan, dịch vụ tài chính trong các Hiệp định FTA đang đàm phán.

Bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết thuế quan trong các hiệp định đã ký kết; tiếp tục đàm phán biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam với các FTA đang chuẩn bị ký kết...

Tuấn Kiệt

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tich-cuc-chu-dong-hoi-nhap-tai-chinh-quoc-te.html