Tích cực, chủ động phòng chống xâm hại trẻ em
Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít những hành vi xâm hại, bạo lực gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức xã hội. Tình hình đó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít những hành vi xâm hại, bạo lực gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức xã hội. Tình hình đó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2019-2021 tình hình trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn trước. Toàn tỉnh có 27 trẻ em bị xâm hại trong độ tuổi từ dưới 6 đến 16 tuổi. Trong số các vụ việc trẻ em bị xâm hại, số trẻ bị xâm hại về tình dục chiếm tỷ lệ cao (26/27 vụ). Riêng năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ xâm hại trẻ em do 15 đối tượng gây ra, 17 nạn nhân là trẻ em bị xâm hại (trong đó: 80% số vụ là xâm hại tình dục, 20% số vụ là bạo lực, bạo hành). Đây là những con số thống kê đáng báo động về tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, bức xúc trong nhân dân.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh truyền thông, tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng về chung tay bảo vệ trẻ em; chủ động thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em. Có một thực tế cần lưu ý hiện nay là do dịch Covid-19 kéo dài nên ngày càng có nhiều người (bao gồm cả thanh thiếu niên, trẻ em) sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro đối với trẻ em và thanh thiếu niên, như: bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới…
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng, vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số trường học trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ, giáo viên và học sinh được thông tin một số vụ việc đã được lực lượng công an làm rõ thời gian qua; những phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; kỹ năng nhận biết, cách phòng ngừa loại tội phạm này…
Học sinh Phạm Ngọc Ánh (Lớp 12A, Trường THPT A Kim Bảng) chia sẻ: Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, chúng em rất dễ có nguy cơ bị xâm hại, bắt nạt trên không gian mạng. Những buổi tuyên truyền như thế này rất bổ ích, qua đó giúp chúng em có thêm những kiến thức và kỹ năng để phòng tránh, tự bảo vệ mình.
Để góp phần bảo vệ trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã lập đường dây nóng hỗ trợ trẻ em (1900571208) và kết nối với Tổng đài quốc gia 111 hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho những trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, trẻ em gặp vấn đề về tâm lý… Sở LĐ,TB&XH cũng đã hướng dẫn và phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua hệ thống pano, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; phát hơn 2.000 tờ rơi, treo hơn 150 băng rôn, khẩu hiệu, tập trung tại các địa phương có nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hằng năm, cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc, người nuôi dưỡng trẻ đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em; kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ trước những nguy cơ bạo hành, bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích.
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế. Việc tuyên truyền hầu như chỉ tập trung trong đợt cao điểm, lồng ghép nhân dịp tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Việc tiếp nhận thông tin về những hành vi xâm hại trẻ em có lúc còn chậm, dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ có lúc chưa kịp thời. Các nhà trường đã quan tâm đến vấn đề giáo dục giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nhưng chưa đồng bộ, thường xuyên, liên tục, hạn chế về hình thức, chưa hình thành được kỹ năng phòng tránh cho trẻ.
Nhận thức của cha mẹ, gia đình, người dân đã được nâng cao nhưng so với yêu cầu còn hạn chế. Một số gia đình có con bị xâm hại nhưng không tố giác tội phạm vì tâm lý lo sợ, mặc cảm, bất an. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, xóm phụ trách nhiều lĩnh vực, do đó việc tuyên truyền, phát hiện, can thiệp, trợ giúp cho trẻ ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Kinh phí bố trí cho việc thực hiện công tác trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, theo bà Phạm Thị Bích Hường, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Cùng với đó, duy trì, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; quán triệt sâu sắc Luật Trẻ em, các văn bản thể hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Đặc biệt, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phải được tổ chức thành phong trào quần chúng sâu rộng, đồng bộ, thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Theo đó, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em; thường xuyên tổ chức các hoạt động tham gia phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em; thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo về hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em…