Tích cực dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

PTĐT - Những năm qua, bằng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng...

Cán bộ Trạm y tế xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn tuyên truyền cho phụ nữ mang thai về lợi ích của xét nghiệm tự nguyện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cán bộ Trạm y tế xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn tuyên truyền cho phụ nữ mang thai về lợi ích của xét nghiệm tự nguyện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

PTĐT - Những năm qua, bằng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã giảm tối đa số trẻ sinh ra bị HIV từ mẹ, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2019, sau khi làm xét nghiệm sàng lọc HIV tại trạm y tế, chị A. ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn phát hiện mình bị nhiễm HIV khi đang mang thai ở tháng thứ 7. Ngay sau đó, chị được tuyên truyền đưa vào điều trị dự phòng ARV để tránh lây truyền HIV cho thai nhi. Đứa trẻ sinh ra cũng được điều trị dự phòng. Mặc dù tiếp cận điều trị dự phòng muộn, nhưng may mắn cho mẹ con chị là xét nghiệm chẩn đoán sớm của cháu bé đã cho kết quả âm tính với HIV. Đến nay, chị A. tiếp tục được điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện Tân Sơn. Còn chị Đỗ Thị H. ở phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì lại phát hiện mình bị nhiễm HIV sớm hơn khi mang thai được 18 tuần. Không biết nguyên nhân nhiễm HIV từ đâu đã khiến chị cảm thấy hoang mang, suy sụp tinh thần. Nhưng nghĩ đến tương lai đứa con, chị đã quyết tâm điều trị dự phòng lây truyền theo phác đồ dành cho phụ nữ có thai. Đến nay, bé đã được gần 2 tuổi, sức khỏe ổn định và phát triển bình thường.Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2018, toàn tỉnh có 26.455 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV, trong số đó đã phát hiện 11 trường hợp bị nhiễm HIV và được điều trị dự phòng. Những đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị dự phòng và 100% trẻ đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp phụ nữ mang thai ở huyện Tân Sơn bị nhiễm HIV, được điều trị dự phòng và sinh con ra khỏe mạnh, không bị lây nhiễm. Con số này đã chứng minh hiệu quả trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết được tình trạng nhiễm HIV để sớm tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây. Xét nghiệm HIV sớm có thể thực hiện bằng cách lấy máu đầu ngón tay hoặc bằng dịch miệng và tiến hành ngay tại trạm y tế xã, phường, có kết quả sau 15-20 phút. Thông qua việc xét nghiệm sớm, mỗi năm toàn tỉnh đã phát hiện và điều trị thuốc kháng virút (ARV) cho trên 200 người nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ mang thai. 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc, điều trị dự phòng lây truyền, góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình và cộng đồng.Hiệu quả chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con rất rõ, tuy nhiên vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai vì thiếu thông tin, kiến thức chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cùng với đó, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV vì lo sợ cộng đồng xa lánh, phân biệt kỳ thị nên đã giấu bệnh dẫn đến kết quả không mong muốn là đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Vì thế, để giúp phụ nữ mang thai nhiễm HIV yên tâm điều trị và sinh con khỏe mạnh rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ y tế, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng và sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, xã hội.Bác sĩ CKI Lương Đình Dụng - Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Để thực hiện thành công mục tiêu “Giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, thời gian tới ngành Y tế tỉnh tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, đặc biệt là dịch vụ cung cấp bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao; đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã; đảm bảo cấp đủ test nhanh để xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ có thai và đối tượng có nguy cơ cao; đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV.Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” được triển khai từ ngày 1- 30/6 trên địa bàn tỉnh với các hoạt động truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả; tăng cường các hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng và trên hệ thống mạng xã hội. Nỗ lực của ngành Y tế tỉnh cùng sự chung tay góp sức, cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong gia đình và cộng đồng; giúp ước mơ được làm mẹ của những phụ nữ mang thai nhiễm HIV trở thành hiện thực.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/201906/tich-cuc-du-phong-lay-truyen-hiv-tu-me-sang-con-165344