Tích cực giám sát, chủ động phòng chống bệnh do vi rút Adeno

Hiện đang ở vào thời điểm giao mùa giữa thu và đông, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, hô hấp, tiêu chảy do vi rút Rota, đặc biệt là vi rút Adeno có xu hướng xuất hiện và gia tăng mạnh. Trước thực tế đó, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị dự phòng, các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp giám sát, dự đoán tình hình dịch bệnh, chủ động phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Khám cho bệnh nhân đang điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Khám cho bệnh nhân đang điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ cuối tháng 8 đến ngày 26/9, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh nhiễm vi rút Adeno; trong số đó, có 80% là bệnh nhi tại các quận, huyện của thành phố Hà Nội. Tại Ninh Bình, tuy chưa ghi nhận các ca nhiễm do vi rút Adeno, nhưng nguy cơ lây lan bệnh này khá cao, do đây là bệnh truyền nhiễm, cùng với đó là lưu lượng người đi lại, giao thương giữa các địa phương với mật độ cao...

Trước tình hình số lượng ca mắc vi rút Adeno phải nhập viện tăng cao ở Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu các địa phương, lực lượng y tế dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác giám sát, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu có các ca bệnh diễn biến nặng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng..., cần được chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện, hội chẩn tích cực, nhanh chóng chuyển viện, chuyển tuyến để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Hồng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng nhanh, chiếm khoảng 70% số bệnh nhi đến khám và điều trị tại khoa và bệnh viện. Tại đây, mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào do vi rút Adeno nhập viện điều trị nhưng các khoa, phòng đều nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng chống bệnh do vi rút này gây ra, để khi có ca bệnh không bỡ ngỡ và xảy ra nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời, lên kế hoạch bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có người nhiễm vi rút Adeno.

Thời tiết giao mùa, các cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi mắc các bệnh truyền nhiễm.

Trong quá trình khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng cũng tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng chống lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, tái nổi, để mỗi người chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, không để lây nhiễm chéo cho bản thân và cộng đồng.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hồng, bệnh do vi rút Adeno là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường có xu hướng gia tăng vào tháng giao mùa như xuân-hạ, thu-đông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp hơn cả là trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Vi rút Adeno chủ yếu lây từ người qua người thông qua đường hô hấp, dịch tiết, đường khí rung, qua niêm mạc bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi, qua phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân... Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 12 ngày và trung bình là 8 ngày. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh, hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải vi rút ra ngoài.

Khi trẻ nhiễm vi rút Adeno là có thể không có triệu chứng hoặc chỉ hắt hơi, sổ mũi, ho hắng; nặng hơn là viêm phổi, khò khè, li bì, co giật, tim đập nhanh... Biểu hiện rõ hơn ở mắt, viêm kết mạc. Hiện thuốc điều trị cho bệnh này chưa có và vắc xin dự phòng bệnh này cũng đang được nghiên cứu. Do bản chất là vi rút nên cách điều trị hiện nay là theo triệu chứng và sử dụng các biện pháp phòng bệnh.

Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do vi rút Adeno nói riêng, các bác sĩ cho rằng, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm vi rút đường hô hấp cũng như các vi rút khác. Cùng với đó, phụ huynh và trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin để phòng các bệnh lý hô hấp khác.

Trước sự nguy hiểm của bệnh do vi rút Adeno, ngành Y tế Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch để triển khai xử lý triệt để, hạn chế lây lan ra diện rộng. Các cơ sở khám, chữa bệnh có kế hoạch thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo. Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh...

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ. Trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm, như thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tich-cuc-giam-sat-chu-dong-phong-chong-benh-do-vi-rut-adeno/d20220927201511715.htm