Tích cực giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Để thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Người dân xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) xem danh sách niêm yết công khai đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được hỗ trợ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức hội nghị hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tới lãnh đạo MTTQ các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, Sở LĐ-TB và XH; thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác giám sát của MTTQ cấp huyện, xã; phân công cán bộ MTTQ tỉnh phụ trách các huyện, thành phố nắm bắt tình hình triển khai thực hiện tại cơ sở, cập nhật thông tin phản ánh hàng ngày tới Ban Thường trực. Ngay sau hội nghị của tỉnh, MTTQ các huyện, thành phố đã khẩn trương xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện tới MTTQ các xã, phường, thị trấn; phân công lãnh đạo MTTQ cấp huyện, cấp xã, trưởng ban công tác Mặt trận tham gia giám sát việc lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách; thời điểm, địa điểm niêm yết; tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng. Các địa phương tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; các quy định cụ thể về các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ; vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ… đến từng thôn, xóm, tổ dân phố và toàn thể nhân dân. Tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo sự thống nhất trong triển khai, thực hiện, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách. Ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND, ngành LĐ-TB và XH phân công cán bộ tham gia vào các nhiệm vụ khi có yêu cầu; phối hợp chặt chẽ trong công tác nắm bắt, trao đổi thông tin, danh sách đối tượng, tiến độ giải ngân, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp chọn các nội dung và quyết định thành lập đoàn giám sát theo các nhóm đối tượng được hỗ trợ đảm bảo kịp thời, hiệu quả; triển khai nhiều hình thức giám sát như: Giám sát qua báo cáo; cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, tham gia các tổ thẩm định, lập danh sách, tham gia thực hiện chi trả cho các đối tượng; tổ chức đoàn giám sát trực tiếp; giám sát qua các tổ chức thành viên nhất là các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò giám sát của người dân ở khu dân cư; nắm bắt, ghi nhận tâm tư, tình cảm, thông tin từ người dân trong việc lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Tính đến ngày 8-6-2020, MTTQ cấp huyện, xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành LĐ-TB và XH, các cơ quan liên quan tổ chức giám sát việc rà soát, thống kê danh sách; công khai niêm yết danh sách; chi trả chế độ cho các đối tượng; thành lập được 245 đoàn giám sát, tổ chức 1.660 cuộc giám sát. Sau khi có kết quả giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã, MTTQ tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả giám sát ở các huyện, thành phố; MTTQ cấp huyện, thành phố đã thành lập 15 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra kết quả giám sát ở 29 xã, phường, thị trấn.

Việc triển khai giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã có sự phối hợp giữa MTTQ với UBND, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan liên quan phân công trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời. Trong quá trình giám sát đã đảm bảo nguyên tắc chủ động, chặt chẽ, xuyên suốt; không làm ảnh hưởng hoặc gây khó khăn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ; giám sát gắn liền với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Thông qua kiểm tra, giám sát đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân để phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng; đề xuất những giải pháp, kiến nghị với cơ quan, tổ chức nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách. Đến nay, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo về đối tượng, đúng theo quy định; nhìn chung danh sách các đối tượng được hưởng chế độ đảm bảo không trùng lặp và cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác công khai niêm yết được thực hiện tương đối nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Công tác chi trả được triển khai kịp thời ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ vẫn gặp nhiều khó khăn như: Việc triển khai thực hiện yêu cầu trong thời gian ngắn, trong khi số lượng đối tượng trên địa bàn nhiều, khối lượng công việc thường xuyên của cơ sở lớn, thời gian công khai danh sách đối tượng ít dẫn đến việc giám sát của người dân, các cơ quan chức năng bị hạn chế. Nhóm đối tượng người lao động tự do khó khăn trong xác định mức thu nhập của diện đối tượng được hỗ trợ. Nhóm hộ kinh doanh nằm trong Quyết định tạm ngừng hoạt động của UBND tỉnh có nhiều nhưng ít hộ có đủ điều kiện theo quy định (thiếu bản sao thông báo nộp thuế). Nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng được lấy từ nguồn dự phòng các cấp huyện, xã; tuy nhiên một số địa phương không đảm bảo nguồn kinh phí này để chi trả cho đối tượng. Đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ, năng lực không đồng đều, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát còn chậm... Thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ, đảm bảo chính sách được thực hiện nhanh chóng, công bằng, không để xảy ra sai sót, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp nhân dân ổn định cuộc sống khi dịch bệnh đi qua./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202007/tich-cuc-giam-sat-viec-thuc-hien-cac-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dai-dich-covid-19-2538336/