Tích cực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cho nên đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại tỉnh Quảng Ngãi đã tạm lắng. Hiện 11 xã thuộc hai huyện có dịch đã qua 30 ngày không phát sinh lợn nhiễm bệnh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đã chi 37 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn mắc bệnh (hơn 13 nghìn con) phải tiêu hủy với số tiền 25 tỷ đồng và 12 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

* Tại Ninh Thuận, UBND huyện Thuận Bắc đã quyết định công bố DTLCP xảy ra trên địa bàn xã Bắc Sơn, với 26 con lợn bị tiêu hủy. Như vậy tại Ninh Thuận, đến thời điểm này, huyện Thuận Bắc là địa phương thứ hai, sau huyện Ninh Sơn xuất hiện DTLCP và công bố dịch. Hiện nay, hai huyện trên đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau gần ba tháng xuất hiện DTLCP, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 666 ổ dịch tại 55 xã, phường của bảy huyện; buộc phải tiêu hủy 15.321 con. Hiện dịch đang diễn biến phức tạp. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã đề xuất UBND tỉnh và các địa phương rút bỏ 8/10 chốt kiểm dịch tạm thời, nhằm tập trung lực lượng trong công tác xử lý dịch bệnh tại các ổ dịch.

* Trong khi đó, tại Cà Mau, tính đến đầu tháng 9, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 66 xã của tỉnh, gần 2.900 con nhiễm bệnh phải tiêu hủy, tương đương hơn 193 tấn thịt lợn. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chi hơn 20 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dịch; trong đó, hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người chăn nuôi có đàn lợn bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định.

* Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 8, đầu tháng 9, DTLCP bùng phát mạnh ở các huyện: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương. UBND tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm soát dịch theo phương châm “huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn, hộ giữ hộ”.

* Trong những ngày qua, giá lợn hơi tại Hưng Yên tăng nhẹ lên 48 nghìn đồng/kg, có nơi lên tới 49 nghìn đồng/kg; tại Quảng Ninh 50 nghìn đồng/kg; các địa phương còn lại, giá ít thay đổi. Hiện nhiều địa phương đã ổn định trở lại sau DTLCP nhưng do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng cho nên đẩy giá lợn tăng. Dự báo, giá lợn tại nhiều địa phương, nhất là phía bắc có thể tiếp tục tăng cao.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to và dông. Lượng mưa trong 6 giờ tại Sìn Hồ (Lai Châu) 30 mm, Lạc Sơn (Hòa Bình) 42 mm, Lục Yên (Yên Bái) 48 mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 39 mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 34 mm… Dự báo, ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Tại tỉnh Thái Nguyên và Lào Cai, Sơn La đã có mưa lớn, với lượng mưa trong một giờ tại một số trạm là: Thái Nguyên 55 mm, Vũ Chấn 40 mm, Đình Cả 31 mm (Thái Nguyên); Ô Quý Hồ 48 mm, Bản Khoang 40 mm (Lào Cai); Tú Nang 26 mm (Sơn La)… Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ cao xảy ra tại một số nơi thuộc tỉnh Lào Cai, Sơn La và Thái Nguyên.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, đợt mưa lũ trong những ngày qua đã làm bảy người chết, năm người bị thương; 70 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 975 ha lúa bị ngập, gãy đổ. Về giao thông, tại Hà Giang, ngập, sạt lở một số vị trí trên quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, tỉnh lộ 181, hư hỏng hai cầu dân sinh. Tại Cao Bằng ngập và sạt lở một số vị trí tỉnh lộ 202. Tại Bắc Cạn, cống trên đường tỉnh lộ 257B bị hư hỏng.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã cử hai đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đoàn đã chỉ đạo di dời 58 người của 12 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở tại thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

* Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có 6.755 đập, hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3. Tuy nhiên, trong số này có 1.730 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ và khoảng 200 hồ chứa hư hỏng, hơn 100 hồ đang sửa chữa, nâng cấp cần lưu ý. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ chứa, cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với 536 hồ chứa đã xác định được nguồn vốn. Ðối với gần 1.200 hồ chứa còn lại, sớm hoàn thành việc sửa chữa bằng các nguồn vốn khác.

* Sáng 11-9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể học sinh lớp 6, Trường THCS Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) bị lũ cuốn trôi, vào cuối giờ chiều ngày 10-9. Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, đoàn thể, đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình tổ chức tang lễ.

* Ngày 11-9, tại bãi biển Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn huấn luyện - cơ động, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phối hợp Tiểu đoàn số 3, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ và đoàn viên, thanh niên xã Thanh Trạch tổ chức thu gom rác, làm sạch bãi biển sau mưa lũ. Các lực lượng đã thu gom và xử lý hơn hai tấn rác thải, túi ni-lông trên bãi biển dài gần 2 km. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như các hộ kinh doanh, buôn bán ở khu vực ven biển và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

* Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và hạ lưu sông đang lên nhanh. Dự báo đến ngày 15-9, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu khả năng đạt 3,45 m, dưới báo động 1(BĐ1) 0,05 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,85 m (dưới BĐ1: 0,15 m), sau đó biến đổi chậm. Ở vùng hạ lưu, mực nước cao nhất ngày 15-9 trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới khả năng đạt 2,6 m (trên BĐ2: 0,1 m), trên sông Hậu tại Long Xuyên 2,4 m (dưới BĐ3: 0,1 m). Lũ về, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến các khu vực có hệ thống đê bao, cống bửng xung yếu.

* Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có 564 điểm sạt lở với chiều dài hơn 830 km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 512 điểm, với 566 km, chủ yếu diễn ra theo dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Theo số liệu thống kê, từ năm 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, hiện đã có hơn một nửa chiều dài bờ biển đang bị sạt lở, nhiều nơi mất đến 50 m, còn bờ sông thì sạt lở cả sông lớn, sông nhỏ.

* Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang đã ghi nhận 17 điểm sạt lở, sụt lún đất bờ sông, kênh rạch với chiều dài gần 1.300 m, hàng trăm nhà phải di dời khẩn cấp. Trong đó, có 51 đoạn cảnh báo sạt lở, với hơn 20 nghìn hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và hơn 5.400 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp vì nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

* Tỉnh Hậu Giang phát hiện hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, với chiều dài gần 7 km, cùng hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tình hình sạt lở ở địa bàn xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A hiện đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41532302-tich-cuc-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi.html