Tích cực phòng, chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi

Từ ngày 20/1, thời tiết ở khu vực miền Bắc nói chung, trên địa bàn tỉnh ta nói riêng đã chuyển sang rét đậm rét hại, nhiệt độ trung bình chỉ từ 9-130C, đặc biệt là ở các huyện miền núi như Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, nền nhiệt giảm xuống dưới 100C đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp...

Gia đình anh Hà Văn Dần, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, bổ sung thêm thức ăn chống đói cho đàn bò trong những ngày trời rét đậm, rét hại.

Gia đình anh Hà Văn Dần, xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, bổ sung thêm thức ăn chống đói cho đàn bò trong những ngày trời rét đậm, rét hại.

Để bảo vệ sản xuất, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng với UBND các huyện, thành, thị để chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuẩn bị đầy đủ vật tư, thức ăn, che chắn chuồng trại chăn nuôi và chống rét cho mạ.

Là một trong những hộ chăn nuôi bò lớn ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, ngay từ đầu mùa rét, ông Đinh Văn Kẻ ở khu Sinh Dưới đã chủ động tích trữ rơm, rạ; trồng ngô dày, cỏ voi để bổ sung thêm thức ăn trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời, ông cũng mua thêm bạt, lá cọ để che chắn kỹ chuồng nuôi, tránh gió lùa. Ông Kẻ chia sẻ: "Từ hàng chục năm nay, cứ đến mùa lạnh là gia đình tôi lại chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để phòng đói, rét cho đàn bò của gia đình bởi đây là tài sản lớn. Ngoài việc che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, củi, chuẩn bị “áo” ấm để sưởi ấm thì tôi cũng thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp đưa đàn bò từ trên trại về nuôi nhốt tại nhà, giữ ấm cho chúng".

Hiện toàn tỉnh có khoảng 150,4 nghìn con trâu, bò, được nuôi chủ yếu ở các huyện miền núi do có lợi thế về diện tích chăn thả... Tuy nhiên, cũng do điều kiện tự nhiên nên về mùa rét, nhiệt độ thường thấp hơn so với vùng xuôi từ 2-30C. Do đã có kinh nghiệm từ nhiều năm nay, đặc biệt là các vụ trâu, bò chết rét trước đây nên các hộ chăn nuôi đã chủ động các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, trong vài năm trở lại đây, dù thời tiết có diễn biến bất thường nhưng sức khỏe của đàn vật nuôi luôn được bảo đảm, không có tình trạng chết đói, chết rét.

Bà con nông dân xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy chuẩn bị che phủ nilon chống rét cho mạ.

Bà con nông dân xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy chuẩn bị che phủ nilon chống rét cho mạ.

Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cho đàn gia súc; việc chống rét cho mạ cũng được các địa phương quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. Đây là thời điểm nông dân trong toàn tỉnh đang tập trung sản xuất vụ Xuân, trong đó lượng thóc đã xuống giống phục vụ cấy trà 1 Xuân muộn đã đạt trên 1.000 tấn. Lúa cấy trà Xuân sớm bắt đầu bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Việc xảy ra rét đậm, rét hại hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh trưởng của lúa, mạ và năng suất về sau. Trước tình hình thời tiết thay đổi, các địa phương đã kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân các giải pháp để phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy. Ông Nguyễn Trọng Luyện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Thủy cho biết: "Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp phòng chống rét cho mạ và lúa mới cấy theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp& PTNT như che phủ nilon, lấy nước vào ruộng để giữ ấm cho lúa, tạm ngừng cấy khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 100C..."

Diện tích mạ cấy trà 1 Xuân muộn của xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy được che phủ nilon chống rét.

Diện tích mạ cấy trà 1 Xuân muộn của xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy được che phủ nilon chống rét.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Khu vực Việt Bắc, thời tiết rét đậm, rét hại vẫn còn kéo dài trong vài ngày tới. Vì vậy nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện miền núi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để có biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tich-cuc-phong-chong-doi-ret-cho-cay-trong-vat-nuoi/205982.htm