Tích cực tháo gỡ khó khăn để sớm phục hồi ngành dừa ở Bến Tre

Bến Tre có diện tích cây dừa thương phẩm lớn nhất cả nước. Gần đây do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, trái dừa khô rớt giá, ngành dừa gặp khó khăn. Địa phương đang tích cực tháo gỡ sớm đưa ngành dừa phục hồi.

Tỉnh Bến Tre hiện nay có 78.000 ha cây dừa, cho sản lượng trên 800 triệu trái mỗi năm, trong đó có khoảng 16.000 ha dừa lấy nước (dừa xiêm) chiếm khoảng 20% tổng diện tích vườn dừa toàn tỉnh. Bến Tre còn có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa.

Mỗi năm, các doanh nghiệp trong tỉnh Bến Tre sản xuất gần 50.000 tấn cơm dừa nạo sấy; 100 triệu lít nước cốt dừa; 40 triệu lít nước dừa đóng lon; 30.000 tấn chỉ xơ dừa; 12.000 tấn than hoạt tính… Gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dừa gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu chậm. Nghiêm trọng nhất là hơn 100 doanh nghiệp có xuất khẩu sang Trung Quốc gần như bị thua lỗ, chậm trả tiền mua dừa của nhà nông.

Ngành dừa xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre đang gặp khó do thị trường tiêu thụ chậm.

Ngành dừa xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre đang gặp khó do thị trường tiêu thụ chậm.

Trước tình trạng này, các ngành chức năng và chính quyền tỉnh Bến Tre đã nỗ lực, tìm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã trực tiếp gặp gỡ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi định hướng tăng cường hợp tác thương mại, kết nối giao thương hàng hóa, nhất là trái dừa của Bến Tre; tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất khẩu trái dừa.

Các ngành chức năng địa phương tăng cường công xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm từ dừa; kêu gọi đầu tư, hợp tác tiêu thụ trái dừa và các sản phẩm từ dừa; xúc tiến thương mại vào các quốc gia Hồi Giáo... Tuy nhiên do hàng tồn kho còn nhiều, nên không ít doanh nghiệp, có sở sản xuất ngành dừa của địa phương đang cần sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi.

Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả dẫn đến hàng hóa dội hàng, rớt giá.

Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả dẫn đến hàng hóa dội hàng, rớt giá.

Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc công ty TNHH Dừa Lương Quới (tại huyện Giồng Trôm) chia sẻ: “Tình hình chung với ngành dừa còn rất khó, thị trường có tín hiệu đôi chút. Khách hàng cũng hỏi về hàng hóa nhiều nhưng khi đi sâu ký hợp đồng mua bán thì chưa ký được, sức mua của thế giới giảm. Nói chung về sản xuất doanh nghiệp tự bơi thôi còn việc khi hàng tồn kho, thế chấp với ngân hàng, đáo hạn gặp rất khó”./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tich-cuc-thao-go-kho-khan-de-som-phuc-hoi-nganh-dua-o-ben-tre-post1026079.vov