Tích cực tiêm phòng, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng
Chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm (GSGC), ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi và phun khử trùng tiêu độc (KTTĐ) môi trường chăn nuôi đợt I/2022 đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai.
Theo thông báo của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước, một số dịch bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), viêm da nổi cục (VDNC), cúm gia cầm (CGC) đang xảy ra ở một số địa phương. Đồng thời, hiện đang là thời điểm giao mùa, nắng nóng dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh và làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi.
Xác định công tác phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, trong năm 2022, toàn tỉnh sẽ tổ chức triển khai 2 đợt tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM) type O và A cho 158.950 lượt con trâu, bò; tụ huyết trùng nhũ hóa cho 78.800 con trâu, bò; LMLM type O cho 106.575 lượt con lợn nái, lợn đực giống; tai xanh cho 106.120 lượt con lợn nái, lợn đực giống; dịch tả lợn nhược độc cho 57.600 con lợn; CGC H5N1, H5N6 cho 7.262.100 lượt con và dại cho 50.400 con chó, mèo; phun KTTĐ môi trường chăn nuôi cho 220.840 lượt hộ chăn nuôi.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai công tác tiêm phòng vắc xin và phun KTTĐ môi trường chăn nuôi đợt I/2022 (diễn ra từ ngày 5/5 - 15/6/2022).
Để công tác tiêm phòng vắc xin và phun KTTĐ đạt kết quả cao, đảm bảo đúng tiến độ, cùng với chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã giao các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác tiêm phòng ở các xã, phường, thị trấn; phân công cán bộ phụ trách địa bàn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đến cơ sở, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình thực hiện.
UBND các huyện, thành phố thành lập các Tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn quản lý trong mỗi đợt tiêm phòng vắc xin, phun KTTĐ chuồng trại, môi trường chăn nuôi; tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, KTTĐ và các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trên địa bàn để người chăn nuôi chủ động phối hợp thực hiện.
Là địa phương có tổng đàn vật nuôi tương đối lớn, đặc biệt là đàn gia cầm (hơn 3 triệu con), căn cứ kết quả rà soát, thống kê và đăng ký tiêm phòng, UBND huyện Tam Dương đã giao chỉ tiêu tới từng địa bàn xã, thị trấn.
Ông Trần Tân Dân, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương cho biết: Ngay từ đầu năm, Trạm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê tổng đàn trong diện tiêm phòng, xây dựng và ban hành kế hoạch tiêm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; đồng thời, chuẩn bị vật tư, tập huấn để đội ngũ tiêm phòng có kỹ năng tốt nhất.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người chăn nuôi, hiện nay, công tác tiêm phòng trên đàn GSGC ở các xã, thị trấn đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 15/6/2022.
Là hộ chăn nuôi gà lâu năm trên địa bàn xã Hoàng Hoa, gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở thôn 7 luôn quan niệm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gà.
Phấn khởi vì hơn 1 tháng nay giá gà thịt, giá trứng gà đã nhích lên hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, bà Tám cho biết: Để đối phó với tình trạng bệnh CGC đang diễn ra ở một số địa phương trên cả nước, gia đình và các hộ chăn nuôi trong thôn đã tích cực rắc vôi bột tại chuồng nuôi và các khu vực xung quanh nhằm hạn chế nguồn gây bệnh; ngoài việc triển khai tiêm phòng định kỳ trong năm theo hướng dẫn của nhân viên thú y xã, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới nuôi, mới lớn.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC, triển khai "Tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại", các địa phương cũng đang tập trung huy động lực lượng để tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin dại cho đàn chó, mèo.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận không ít trường hợp bị chó cắn gây bệnh dại dẫn đến tử vong cùng với đó là hàng nghìn trường hợp phải điều trị dự phòng do chó, mèo bị bệnh dại cắn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tốn kém tiền bạc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại - dịch vụ từng bước được phục hồi, đầu ra thuận lợi hơn sẽ phần nào bù đắp những thiệt hại thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất với đời sống người chăn nuôi, cùng với việc cân đối, chủ động phối trộn thức ăn từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các hộ chăn nuôi cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; có như vậy, mới từng bước phục hồi và ổn định sản xuất, phát triển chăn nuôi bền vững.