Tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi

Ngày 19/11, đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hội nghị triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Virus này có sức đề kháng cao như virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt; tiếp xúc giữa gia súc mắc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung khu vực ăn uống; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày… Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh và chết khoảng 1-5%. Đến nay, bệnh viêm da nổi cục trâu bò đã xảy ra tại 204 hộ, 71 thôn, 36 xã, 13 huyện của 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Ninh với 406 con trâu, bò bị mắc bệnh; 34 con chết và bị tiêu hủy. Hiện, trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục.

Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 16/11, tại tỉnh ta đã xuất hiện ở 124 tổ, bản, tiểu khu thuộc 46 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Tổng số lợn mắc và tiêu hủy là 3.267 con. Đã có 32 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố qua 21 ngày và công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tráng Thị Xuân yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bệnh tới cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận biết các triệu chứng trâu, bò mắc bệnh. Giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, bao vây, khoanh vùng dập tắt không để lây lan dịch. Tiếp nhận và cung ứng các loại vắc-xin, hóa chất để tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; kiểm tra, thẩm định điều kiện công bố hết dịch trên địa bàn các xã khi đủ điều kiện. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không tuân thủ quy định pháp luật...

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tich-cuc-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-trau-bo-va-benh-dich-ta-lon-chau-phi-35450