Tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Nhằm thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại lợi ích cho quốc gia cũng như doanh nghiệp và cá nhân về mặt thời gian, kinh phí, tài chính… Nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này và cũng phù hợp với thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, những năm qua Agribank Việt Nam nói chung, Agribank Hà Giang nói riêng đã tích cực triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ được triển khai thông qua hệ thống mạng điện tử đều mang lại hiệu quả, sự tiện dụng cho các khách hàng của Agribank Hà Giang.

Agribank Hà Giang lắp đặt hệ thống máy rút, chuyển tiền tự động.

Agribank Hà Giang lắp đặt hệ thống máy rút, chuyển tiền tự động.

Theo báo cáo của Agribank Hà Giang, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai qua mạng điện tử, được bảo mật chặt chẽ, có tính ổn định cao, các ứng dụng chuyển thanh toán đa dạng, tiện dụng. Các dịch vụ được Agribank Hà Giang triển khai như: Phát hành thẻ ATM, nghiệp vụ thanh toán quốc tế, dịch vụ ngân hàng điện tử Internet Banking, E-Mobile Banking, POS, QR Code, ví điện tử, dịch vụ thu hộ qua hệ thống điện tử, thực hiện cho vay qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, thẻ nông nghiệp nông thôn…

Tính đến nay, toàn hệ thống Agribank Hà Giang đã phát hành trên 3.861 tài khoản thẻ; 25 máy ATM, trong đó có 1 máy ATM CDM. Phát triển sản phẩm dịch vụ và mạng lưới ngân hàng, nhằm khuyến khích khách hàng trên địa bàn Hà Giang sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn, thuận tiện, giảm rủi ro khi mang theo tiền. Agribank Hà Giang tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt như: Dịch vụ ngân hàng điện tử Internet Banking, E-Mobile Banking, POS, QR Code, các ví điện tử. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt như thu tiền điện, nước, học phí, viễn thông, truyền hình, chuyển khoản nhanh trong cùng hệ thống và ngoài hệ thống, nộp thuế điện tử qua tài khoản. Tổng số lượng POS (máy quẹt thẻ để thanh toán) và QR Code (thanh toán qua ứng dụng) toàn tỉnh đến tháng 4.2020 là 46 đơn vị chấp nhận thẻ và 17 đơn vị đăng ký thanh toán qua QR Code.

Để nâng tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt, giảm nhân công thu tiền mặt cho điện lực các huyện, thành phố, Agribank Hà Giang đã phối hợp với Công ty Điện lực Hà Giang triển khai dịch vụ thu hộ tiền điện qua tài khoản, tính đến tháng 4.2020 đã có 8.414 khách hàng. Cùng với đó, Agriank Hà Giang tiếp tục hợp tác với Công ty Cổ phần cấp thoát Nước Hà Giang triển khai dịch vụ thu hộ tiền nước, tính đến tháng 3.2020 đã có 2.270 khách hàng. Ước hết tháng 5.2020 đạt 2.360 khách hàng. Trong thời gian tới, Agribank Hà Giang sẽ tiếp tục mở rộng, phối hợp với nhiều công ty, đơn vị, cơ quan trong tỉnh áp dụng các dịch vụ thanh toán qua các ứng dụng điện tử của ngân hàng.

Là ngân hàng chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và cũng là ngân hàng tiên phong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng đen, Agribank Hà Giang quyết liệt triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân. Để khuyến khích, kích cầu người dân ở vùng nông thôn trong tỉnh, Agribank Hà Giang đã miễn phí phát hành thẻ ATM, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí thường niên với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng dành cho các đối tượng là khách hàng cá nhân là người Việt Nam cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc cá nhân cư trú ngoài địa bàn nhưng có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Tính đến 30.4.2020 đã có 7/12 chi nhánh các huyện, thành phố của tỉnh triển khai phát hành thẻ nông nghiệp nông thôn, số lượng thẻ lũy kế đến tháng 4.2020 đạt 455 thẻ.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, Agribank cũng chuyển mình để đi tắt, đón đầu, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào trong quản lý, kinh doanh và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Trong đó, xu hướng phát triển các dịch vụ không dùng tiền mặt đang là hướng đi đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho xã hội. Đây cũng hướng đi mà phù hợp với chủ trương của Chính phủ, đó là: “Việc không dùng tiền mặt sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, với mọi người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ...”.

Bài, ảnh: M.Hải – Lê Lâm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202005/tich-cuc-trien-khai-cac-dich-vu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-760776/