Tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) ở tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả đạt được rải đều ở các lĩnh vực, trong đó công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; hoạt động thương mại và xuất khẩu; tình hình thu hút đầu tư... có nhiều khởi sắc.

Theo đánh giá của Sở Công thương (Cơ quan Thường trực Ban HNKTQT của tỉnh), thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền về HNKTQT được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và doanh nghiệp trong tỉnh.

Đồng chí Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong quá trình HNKTQT, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đầu tư nước ngoài tuy còn khá khiêm tốn nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và cải thiện môi trường kinh doanh được quan tâm thực hiện; việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu từng bước được doanh nghiệp quan tâm; áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng để hỗ trợ doanh nghiệp…

Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa: QUANG BÌNH

Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh minh họa: QUANG BÌNH

Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được giải quyết theo cơ chế một cửa (trừ một số thủ tục hành chính thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 5, Điều 14, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP), qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nhằm loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết quốc tế, góp phần tăng cường thu hút đầu tư…

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng”, thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đã hỗ trợ kinh phí được 32 doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm dịch vụ, tỉnh đã duy trì hoạt động của Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sở Khoa học và Công nghệ. Từ năm 2018 - 2019, đã hướng dẫn 86 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ 97 nhãn hiệu (trong đó có 92 nhãn hiệu trong nước, 3 nhãn hiệu nước ngoài đăng ký mới; gia hạn hiệu lực 1 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nước ngoài, đăng ký lại 1 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nước ngoài).

Nhờ những giải pháp trên, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Sóc Trăng đạt 866 triệu USD, tăng 13,07% so với năm 2018, trong đó thủy sản xuất khẩu đạt 658 triệu USD. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chính là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc... Cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh nghiêm túc tuân thủ các quy định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo ISO, HACPP, GMP. Một số doanh nghiệp còn đạt chuẩn khắt khe của thị trường Hoa Kỳ và châu Âu như: BRC, BAP, ASC, IFS, BSCI…

Song song đó, công tác đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt nhiều kết quả. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), đến cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 10 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 4.040 tỉ đồng. Các dự án FDI hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực may mặc, chế biến thủy sản, điện gió, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Đến nay các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, riêng đối với lĩnh vực năng lượng đang triển khai thi công, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban HNKTQT tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đồng chí Võ Văn Chiêu cho biết thêm, để đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và HNKTQT, phương hướng hoạt động công tác HNKTQT năm 2020 và những năm tiếp theo của tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, nhiệm vụ của Đề án HNKTQT của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 95/KH-UBND thực hiện Chương trình số 18-Ctr/TU về thực hiện có hiệu quả tiến trình HNKTQT, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 28-2-2019 về việc triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/tich-cuc-va-chu-dong-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-38680.html