Tích cực xây dựng, hoàn thiện pháp luật quy định vấn đề chuyển đổi giới tính

Thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền với Cộng hòa Liên bang Đức được ký kết ngày 15/4/2024 giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Liên bang Đức, với sự hỗ trợ của Quỹ IRZ, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo: 'Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính, bao gồm các vấn đề về nhân thân và tài sản'.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Chia sẻ về một số vấn đề đặt ra liên quan đến pháp luật lao động, an sinh xã hội cho người chuyển đổi giới tính, TS. Mạc Thị Hoài Thương, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, những năm gần đây, quyền của người chuyển giới đã được công nhận rõ ràng hơn và được bảo vệ mạnh mẽ hơn trong pháp luật. Việc chuyển đổi giới tính và việc được công nhận giới tính mới phù hợp với mong muốn là một nhu cầu cơ bản của cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung. Việc xây dựng, ban hành Luật chuyển đổi giới tính đồng thời rà soát, hoàn thiện các đạo luật chuyên ngành sẽ là nền tảng để hiện thực hóa các quyền con người của người chuyển giới, như quyền phẫu thuật chuyển giới, quyền thay đổi tên và giới tính trong giấy tờ tùy thân, quyền kết hôn, quyền nhận con nuôi… mà trước đây họ chưa có cơ hội được hưởng.

TS. Mạc Thị Hoài Thương trình bày tại Hội thảo.

TS. Mạc Thị Hoài Thương trình bày tại Hội thảo.

Theo TS Mạc Thị Hoài Thương, hiện nay, Việt Nam đang tích cực xây dựng, hoàn thiện luật cụ thể quy định vấn đề chuyển đổi giới tính, đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện sự cam kết của quốc gia đối với việc bảo vệ quyền lợi của người chuyển giới. Bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính, cần tiếp tục nỗ lực để bảo đảm rằng những quy định mới này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người chuyển giới sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Việc thực hiện pháp luật về chuyển đổi giới tính không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự thay đổi về tư duy và thái độ của xã hội đối với người chuyển giới.

Để đảm bảo tính khả thi TS Mạc Thị Hoài Thương cho rằng, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính tương ứng với mức độ can thiệp y học. Việt Nam là nước mới xây dựng luật nên trước mắt Luật nên tập trung giải quyết những yêu cầu bức thiết nhất của người chuyển đổi giới tính như công nhận giới tính, thay đổi thông tin về hộ tịch, giới tính của cá nhân chuyển đổi giới tính trên các loại giấy tờ đã cấp…

Để đảm bảo việc xây dựng và thực thi pháp luật về chuyển đổi giới tính thêm hiệu quả, toàn diện, ông Chu Thái Hà, đại diện người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam cho rằng, về hoàn thiện khung pháp lý, các luật phụ trợ cần được điều chỉnh hoặc bổ sung để tương thích với Luật Chuyển đổi giới tính; đồng bộ hóa các văn bản pháp luật khác có liên quan. Quy định rõ ràng về các khái niệm, thủ tục, quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tính hiệu quả của sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng và thực thi pháp luật. Thiết lập cơ chế giám sát độc lập: Tầm quan trọng của các tổ chức giám sát để bảo vệ quyền lợi.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng, tăng cường giáo dục về giới tính và quyền lợi, xây dựng các chiến dịch truyền thông và sự cần thiết của chúng trong việc loại bỏ định kiến; xây dựng môi trường xã hội cởi mở, tôn trọng sự khác biệt; chống lại các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị…

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 18-19/9 với nhiều nội dung cụ thể về tổng quan về việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính; Giới thiệu và tổng quan quy định pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức “Đạo luật quyền tự quyết liên quan đến đăng ký giới tính”; Tính thống nhất của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính với hệ thống pháp luật Việt Nam; một số điểm mạnh và điểm yếu của việc thực thi luật tại Cộng hòa Liên bang Đức, một số tác động và khả năng sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; thực tiễn của Cộng hòa Liên bang Đức trong việc thực thi vấn đề về nhân thân và tài sản của người chuyển đổi giới tính.

T.Oanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tich-cuc-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-quy-dinh-van-de-chuyen-doi-gioi-tinh-post525943.html