Tích hợp 3 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Tư duy mới cho cấu trúc mới
Việc tích hợp '3 trong 1' không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật soạn thảo hay hành chính hóa mà thực sự là sự chuyển đổi về chất trong cách Đảng thiết kế chiến lược phát triển và lãnh đạo đất nước.
Tại Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định tích hợp 3 văn kiện trình Đại hội, gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng thành một văn kiện duy nhất.
Đây là một quyết định có tính đột phá, thể hiện tư duy đổi mới trong cách Đảng chuẩn bị và tổ chức hoạch định chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn tới.

Hội nghị Trung ương 12 (khóa XIII)
Trong suốt nhiều kỳ Đại hội trước, việc xây dựng ba báo cáo riêng biệt đã trở thành thông lệ bất thành văn. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít nội dung bị trùng lặp, thiếu kết nối hoặc rơi vào tình trạng thiếu tính hệ thông liền mạch.
Hệ quả là quá trình thảo luận các văn kiện, học tập, quán triệt nghị quyết kéo dài, tốn kém nguồn lực và thường bị hình thức hóa. Nhiều cán bộ, đảng viên không phân biệt được rõ ràng trọng tâm của từng văn kiện, càng khó nắm bắt được mạch xuyên suốt trong tư duy chỉ đạo của Trung ương.
Do đó, việc tích hợp “3 trong 1” không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật soạn thảo hay hành chính hóa, mà thực sự là sự chuyển đổi về chất trong cách Đảng thiết kế chiến lược phát triển và lãnh đạo đất nước. Một văn kiện thống nhất sẽ giúp đảm bảo sự nhất quán về tư tưởng chỉ đạo, tính đồng bộ trong xây dựng mục tiêu – giải pháp – cơ chế thực thi, cũng như tạo thuận lợi cho việc phổ biến, triển khai và giám sát thực hiện nghị quyết sau Đại hội.
Tích hợp là xu thế hiện đại trong quản trị chiến lược
Trong các mô hình quản trị hiện đại trên thế giới, các quốc gia đều hướng tới xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể, có khả năng bao quát các trụ cột kinh tế, xã hội, chính trị và thể chế. Văn kiện chiến lược không chỉ là sự liệt kê các mục tiêu, mà còn là bản thiết kế thể hiện sự kết nối giữa tầm nhìn – nguồn lực – năng lực thực thi. Việt Nam, nếu muốn phát triển nhanh và bền vững, cũng cần tiếp cận theo cách làm đó.
Tư duy tích hợp không chỉ giúp rút ngắn quy trình có tính chất thủ tục, mà còn mở đường cho việc thiết kế chính sách theo hướng liên ngành, liên thông – điều mà thực tiễn phát triển luôn đòi hỏi nhưng chưa được đáp ứng tương xứng. Ví dụ, nếu tách biệt giáo dục ra khỏi các nội dung xây dựng thể chế, hoặc tách khoa học – công nghệ khỏi cải cách bộ máy, thì sẽ không thể hình thành các giải pháp thực sự toàn diện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo hay thúc đẩy chuyển đổi số.
Một văn kiện tích hợp sẽ cho phép tiếp cận các lĩnh vực này đồng bộ, hệ thống nhiều chiều: định hướng chính trị, kế hoạch phát triển, yêu cầu về tổ chức bộ máy và giám sát thực hiện. Từ đó, tạo nền tảng cho các chính sách nhất quán, khả thi và hiệu quả hơn.
Yêu cầu cao đối với Ban soạn thảo
Chính vì tính chất mới mẻ và phức tạp, việc xây dựng một văn kiện tích hợp đòi hỏi năng lực cao hơn nhiều so với cách làm cũ. Nếu không có tư duy hệ thống, kỹ năng tổ chức cấu trúc hợp lý và tầm nhìn chiến lược đủ rộng, nguy cơ lớn là văn kiện sẽ bị liệt kê dàn trải, nối ghép cơ học nội dung, hoặc loãng thông điệp, hoặc không phản ánh đúng các trục ưu tiên của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Một bản báo cáo tích hợp không thể chỉ ghép nối các nội dung từ ba văn kiện cũ. Nó phải được thiết kế trên nền một khung tư duy xuyên suốt, phản ánh rõ: Tình hình và bối cảnh phát triển mới, trong đó có các yếu tố nổi bật như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập sâu rộng, tác động của công nghệ số và cạnh tranh chiến lược toàn cầu; các động lực phát triển mang tính đột phá, bao gồm khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế hiện đại, đổi mới sáng tạo và khai thác hiệu quả hội nhập quốc tế; vai trò trung tâm của xây dựng Đảng gắn liền với năng lực quản trị quốc gia, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin và phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội.
Tất cả những nội dung này, nếu được đan cài chặt chẽ trong một văn kiện tích hợp, sẽ giúp nâng cao sức thuyết phục và tính hiệu triệu của Báo cáo chính trị, đúng với vai trò là văn kiện trung tâm của Đại hội.
Cần cơ chế phản biện và tham vấn rộng rãi
Để đảm bảo chất lượng, Trung ương đã yêu cầu tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong Đảng và toàn xã hội đối với văn kiện tích hợp. Đây là một bước đi đúng đắn và cần thiết. Bởi trí tuệ của Đảng không chỉ nằm trong một nhóm soạn thảo, mà cần được tổng hợp từ thực tiễn các địa phương, ngành nghề, từ đội ngũ trí thức, chuyên gia, doanh nghiệp và cả tiếng nói của nhân dân.
Một văn kiện có tầm vóc không chỉ vì được viết hay, “tầm chương trích cú” mà vì nó thực sự phản ánh khát vọng, nhu cầu và năng lực của cả hệ thống chính trị – xã hội. Do đó, cơ chế phản biện mở, lắng nghe nhiều chiều và tiếp thu có chọn lọc sẽ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng và sự đồng thuận đối với báo cáo trình Đại hội XIV.
Văn kiện mới, tư duy mới, tầm nhìn mới
Tích hợp ba văn kiện thành một là bước đi mang tính đột phá trong cách Đảng tổ chức chiến lược phát triển đất nước. Nó không chỉ giúp giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, mà còn tạo nền tảng cho một cách tiếp cận hiện đại: Liên kết giữa tư duy chính trị – quản lý phát triển – xây dựng thể chế trong một cấu trúc thống nhất để đi đến hành động thống nhất.
Từ góc nhìn của người dân, kỳ vọng rất lớn đang được đặt vào việc hình thành một báo cáo tích hợp thực sự kết nối được các trụ cột phát triển, phản ánh rõ tầm nhìn dài hạn, sự nhất quán về chiến lược và bản lĩnh trí tuệ của một Đảng cầm quyền trong thời đại mới. Không đơn thuần là một văn kiện “3 trong 1”, báo cáo trình Đại hội XIV sẽ trở thành biểu tượng cho tư duy đổi mới và năng lực kiến tạo chính sách ở tầm quốc gia.