Tích hợp, chia sẻ dữ liệu thúc đẩy chuyển đổi số
Đại diện các địa phương, sở, ngành tìm hiểu các nền tảng phục vụ công tác chuyển đổi số tại một hội nghị do Sở TT&TT tổ chức. Ảnh: THỦY TIÊN
Chuyển đổi số, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được các địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm triển khai trong thời gian qua. Việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu (CSDL) giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Báo Phú Yên trao đổi với ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT xung quanh việc đầu tư, vận hành nền tảng tích hợp CSDL của tỉnh. Ông Khánh cho biết:
Nền tảng tích hợp CSDL hay còn gọi là trục LGSP (Local Government Service Platform). Đây được hiểu là một trong những nền tảng rất quan trọng trong triển khai chính phủ điện tử cấp tỉnh, tích hợp, CSDL từ tỉnh đến bộ, ngành trung ương và xuống cấp huyện, xã. Thông qua nền tảng này, các cơ sở dữ liệu trọng điểm quốc gia được bổ sung, cập nhật dữ liệu đồng thời cũng chia sẻ đến các hệ thống thông tin cần truy vấn; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành từ bộ ngành trung ương được kết nối, cập nhật, chia sẻ đến địa phương, doanh nghiệp, người dân. Như vậy, tình trạng cát cứ thông tin sẽ không còn xảy ra và dòng chảy dữ liệu không ngừng sẽ là minh chứng cho sự thành công bước đầu trong chuyển đổi số.
Chúng ta có thể hiểu nôm na trục này như một tỉnh lộ, làm trung gian vận chuyển, CSDL cho các đơn vị, ban ngành, địa phương. Ví như dữ liệu của 1 ngành, đơn vị này muốn chia sẻ cho ngành, đơn vị khác thì phải đi qua trục này. Vì vậy, trục này phải có 1 quy chuẩn vận hành, khai thác, bảo dưỡng để dữ liệu đến và đi liên tục, tự động và thông suốt.
Ông Lê Tỷ Khánh
* Vậy theo ông, trục LGSP có vai trò như thế nào trong việc thực hiện chuyển đổi số?
- Giá trị dữ liệu sẽ được tăng lên khi được khai thác, chia sẻ. CSDL là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ. CSDL là cơ sở để phát triển các dịch vụ đổi mới, sáng tạo dựa trên dữ liệu, trong đó có dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. CSDL để tạo ra dòng chảy dữ liệu kích thích dòng chảy vật chất.
Việc thực hiện CSDL giữa các cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ số cho người dân theo nguyên tắc người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc thực hiện CSDL của các cơ quan nhà nước cho xã hội (dữ liệu mở) sẽ góp phần phát triển các dịch vụ kinh tế - xã hội…, sẽ càng thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.
Ở giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, trọng tâm là dữ liệu, xem dữ liệu là trọng yếu. Vì vậy, việc liên thông dữ liệu là rất cần thiết. Trục tích hợp, CSDL giải quyết bài toán liên thông này. Để trục LGSP hoạt động hiệu quả, cơ sở dữ liệu được chia sẻ thông suốt, tỉnh đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế tích hợp CSDL của tỉnh, dự kiến sẽ ban hành vào quý III/2023.
* Tầm ảnh hưởng của trục LGSP vô cùng quan trọng trong chuyển đổi số. Vậy công tác đầu tư trục LGSP của tỉnh đã được triển khai đến đâu, thưa ông?
- Từ năm 2021, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã hỗ trợ cho tỉnh trục LGSP và đang được tỉnh khai thác, vận hành hiệu quả. Trục đang phục vụ đắc lực trong công tác liên thông giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin khác các bộ ngành, triển khai Đề án 06...
Hiện nay, tỉnh đang làm thủ tục theo quy định để tổ chức mời thầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin Trục tích hợp CSDL, dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành, khai thác phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số của tỉnh.
Trục LGSP là một phần mềm, nền tảng công nghệ thông tin nên về bản chất, theo thời gian sẽ liên tục được nâng cấp theo sự phát triển của công nghệ và sự đổi mới theo các quy định quản lý nhà nước ngày cảng cải tiến, đổi mới; trong trường hợp cần nâng cấp thì bắt buộc phải có lập trình viên hoặc chuyên gia công nghệ thông tin hiểu sâu sắc bản chất của phần mềm thì mới thực hiện được.
Như vậy, nếu thuê dịch vụ có thời hạn, chúng ta có thể khắc phục được tình trạng phần mềm lỗi thời; đồng thời còn được đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành, nâng cấp, cập nhật. Lợi ích nữa là tỉnh sẽ không phải tốn nhiều nhân lực chuyên phục vụ cho việc này… Đây là những lý do tỉnh dự kiến chọn phương án thuê trục LGSP thay vì đầu tư mua.
* Hiện nay, dữ liệu ở các địa phương, sở ngành đang lưu trữ và chia sẻ như thế nào? Các địa phương cần phải chuẩn bị gì để sắp tới khi tỉnh có trục LGSP thì có thể kết nối, tích hợp và chia sẻ ngay?
- Lâu nay một số ngành đã có dữ liệu và được lưu theo nhu cầu riêng, nhưng gần như dữ liệu nhỏ lẻ, chưa được chia sẻ theo hệ thống, chỉ mới chia sẻ trong giới hạn dưới một vài hình thức như qua trang thông tin điện tử của ngành, địa phương hoặc qua các báo cáo…, phạm vi chia sẻ hạn hẹp.
Thực tế, khi chuyển đổi số cho một đơn vị, một ngành thì bắt buộc phải xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý ngành đó. Và khi các địa phương, đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương thì đơn vị đó phải chuẩn bị cho việc chia sẻ, mở cổng để thực hiện kết nối liên thông với trục LGSP của tỉnh. Việc chia sẻ sẽ được xem xét đến việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn để cấp quyền khai thác theo đúng quy định của một hệ thống thông tin.
* Xin cảm ơn ông!
Trục tích hợp chia sẻ dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng để có thể kết nối, chia sẻ công khai, minh bạch dữ liệu; những dữ liệu cần chia sẻ buộc phải được chia sẻ thông suốt.
THỦY TIÊN (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/427/303340/tich-hop-chia-se-du-lieu-thuc-day-chuyen-doi-so.html