Tích hợp hệ sinh thái tái chế, năng lượng và tài chính vào logistics bền vững

Việc tích hợp các hệ sinh thái tái chế, năng lượng và tài chính vào lĩnh vực logistics không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành và tạo ra giá trị kinh tế mới.

Phiên thảo luận về các giải pháp công nghệ và tài chính nhằm tăng hiệu quả cho chuỗi cung ứng tại Hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững”

Phiên thảo luận về các giải pháp công nghệ và tài chính nhằm tăng hiệu quả cho chuỗi cung ứng tại Hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững”

Logistics bền vững là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên đầy biến động và khó lường do ảnh hưởng của các xung đột chính trị, đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp 3PL (đơn vị bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics).

Tại Hội thảo “Lộ trình đổi mới hướng đến chuỗi cung ứng thông minh và bền vững” thuộc khuôn khổ Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 diễn ra tuần trước, các diễn giả đã thảo luận về logistics thông minh và những phương pháp tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng. Nổi bật là việc ứng dụng robot, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), drone… trong quá trình giao vận, nhưng mặt trái của các công nghệ này là chi phí vận hành lớn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho ngành logistics, không chỉ tập trung vào các kỹ năng, kiến thức cơ bản mà còn hướng đến luyện cho sinh viên cho tư duy phát triển bền vững, từ đó ứng dụng vào chuỗi cung ứng là đặc biệt quan trọng.

Ông Drew Duncan, Giám đốc quản lý DHL Supply Chain chia sẻ rằng động lực tăng trưởng bền vững của ngành logistics hiện nay chủ yếu đến từ sức ép của người tiêu dùng. Đó là một trong những động lực đòi hỏi các doanh nghiệp phải cam kết và đồng hành tham gia vào các sáng kiến bền vững.

Ông Drew Duncan, Giám đốc điều hành DHL Supply Chain tại Việt Nam

Ông Drew Duncan, Giám đốc điều hành DHL Supply Chain tại Việt Nam

“Việc chuyển đổi từng mắt xích trong chuỗi cung ứng, từ sử dụng năng lượng sạch trong vận chuyển, tái chế vật liệu đóng gói, đến báo cáo phát thải carbon minh bạch, đều đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống logistics bền vững và thông minh. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa tầm nhìn này”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS, đơn vị tổ chức hội thảo cho biết.

Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS cũng là đơn vị tổ chức chuỗi chương trình kết nối RIS.ER Hub, kéo dài từ tháng 8 - tháng 11 trong khuôn khổ RIS.ER24.

Với chủ đề “Phát triển bền vững trong hệ sinh thái tái chế, năng lượng và tài chính xanh”, chương trình RIS.ER Hub dự kiến diễn ra vào ngày 20/8 tại TP.Hồ Chí Minh hứa hẹn mang đến những thảo luận sâu rộng và các giải pháp thực tiễn về việc tích hợp các yếu tố bền vững vào ngành công nghiệp logistics.

Đây sẽ là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi và hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả của hệ thống logistics Việt Nam.

RIS.ER là chuỗi sự kiện về ESG và Phát triển bền vững tại Việt Nam được tổ chức hằng năm mang ý nghĩa chia sẻ và kết nối. Hội thảo khởi động lần đầu tiên diễn ra vào năm 2024 với mục tiêu “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG”.

Tham vọng của RIS.ER là giúp các nhà lãnh đạo dũng cảm nắm bắt thời điểm phát triển kinh tế và trở thành chất xúc tác mở lối nhóm doanh nghiệp phục hồi thông qua các cam kết tăng trưởng hàng năm, tuân thủ bảo vệ môi trường và tham gia vào tiêu chuẩn thương mại công bằng, hỗ trợ tiếp cận nguồn đầu tư xanh.

Hoàng Oanh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tich-hop-he-sinh-thai-tai-che-nang-luong-va-tai-chinh-vao-logistics-ben-vung-post351074.html