Tích hợp trí tuệ nhân tạo: Xu hướng mới của thị trường laptop Việt Nam
Thị trường laptop tại Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ khi các nhà sản xuất ngày càng chú trọng vào việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm của mình. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn mang lại những tính năng vượt trội, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường công nghệ đầy khốc liệt.
Ra mắt hàng loạt mẫu laptop mới tích hợp AI
Trong vài năm trở lại đây, AI đã trở thành một trong những công nghệ chủ đạo được các nhà sản xuất tích hợp vào các mẫu laptop mới. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn như Asus, Dell, HP… đã giới thiệu các dòng sản phẩm tích hợp AI với nhiều tính năng ưu việt. Riêng trong năm 2024, hàng loạt mẫu laptop tích hợp AI ra mắt đã thu hút người dùng, tạo một cuộc đua mới trong thị trường laptop.
Cụ thể, mới đây Asus Việt Nam đã tung ra thị trường Vivobook S 14 (M5406) và Vivobook S 16 (M5606) với giá từ 33,99 triệu đồng/chiếc. Đây là dòng laptop AI được trang bị bộ vi xử lý AMD Ryzen AI 9 HX 370 mới nhất, cung cấp sức mạnh tính toán NPU 50 TOPS để mang lại trải nghiệm AI phong phú.
Với việc trang bị bộ xử lí AMD Ryzen AI 9 HX 370 và đồ họa tích hợp AMD Radeon 890M thì hiệu năng của máy được đảm bảo đối với cả những tác vụ nặng như chơi game, stream hoặc chỉnh sửa hình ảnh, video. Máy có thiết kế hoàn toàn bằng kim loại mỏng 1,39 cm và nhẹ 1,3 kg. Không chỉ thế, Vivobook S còn mang lại thời lượng pin cao hơn tới 20%, kéo dài lên đến hơn 17 giờ, tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa tính di động và hiệu năng.
Trước đó, Asus Việt Nam cũng từng ra mắt ZenBook Pro Duo 15, một trong những mẫu laptop tiên phong trong việc tích hợp AI, mang đến cho người dùng những trải nghiệm vượt trội, đặc biệt trong các tác vụ đồ họa nặng. Các tính năng như nhận diện khuôn mặt AI để bảo mật, tự động điều chỉnh độ sáng màn hình và quạt tản nhiệt dựa trên nhiệt độ môi trường là những điểm nhấn nổi bật.
Tương tự, Acer cũng đã cho mắt Swift Go 14 AI trong năm nay với giá từ 22,99 triệu đồng/chiếc, là sản phẩm đầu tiên của Acer được trang bị công nghệ AI tiên tiến, với CPU Intel Core Ultra 7, Ram lên đến 16 GB, mang lại khả năng xử lý công việc hiệu quả. Vì thế, Swift Go 14 AI tối ưu quy trình làm việc của người dùng một cách thông minh hơn, cũng như hỗ trợ các ứng dụng AI làm việc hiệu quả và mượt mà.
Đặc biệt, Acer Swift Go 14 AI trang bị AI Copilot của Microsoft thông qua tổ hợp phím Window + C trên máy. Qua đó, tối ưu hóa quy trình làm việc của người dùng, giúp tiết kiệm tối đa thời gian xử lý các tác vụ văn bản, tóm tắt, soạn thảo email trên Outlook... hay hỗ trợ người dùng xử lý hình ảnh.
Trong khi đó, HP đã ra mắt một loạt sản phẩm tích hợp AI trong các dòng Elitebook, ProBook, Spectre, ENVY, Victus và Omen. Đặc biệt, dòng HP Envy X360 đã nhận được nhiều sự quan tâm với tính năng tự động dự đoán và điều chỉnh hiệu năng theo hành vi người dùng.
Máy được trang bị chip Intel Core Ultra 5 và 7 kết hợp NPU chuyên dụng để xử lý các tác vụ AI; màn hình OLED chất lượng cao và khả năng xử lý đa nhiệm mượt mà... Qua đó, dòng máy này giúp người dùng tự động điều chỉnh hiệu suất và thời lượng pin dựa trên hành vi sử dụng của người dùng, dự đoán và tối ưu hóa hiệu quả công việc.
Lenovo cũng tham gia vào cuộc đua tích hợp AI với các dòng laptop Yoga và ThinkPad. Những sản phẩm này nổi bật với LA AI chip, giải pháp tối ưu hóa hiệu suất hệ thống; Legion “Coldfront: Hyper", hệ thống tản nhiệt hiệu quả; ứng dụng AI tạo sinh, cho phép người dùng chuyển yêu cầu dạng văn bản hoặc phác thảo thành hình ảnh hoàn chỉnh.
Dell và MSI cũng không đứng ngoài cuộc khi ra mắt các mẫu laptop tích hợp AI như Dell XPS, MSI Cyborg 15 AI và MSI Stealth 14 AI Studio. Trong đó, Dell XPS trang bị bộ vi xử lý mới cung cấp hiệu năng mạnh mẽ Qualcomm Snapdragon X Elite. Còn các dòng MSI trang bị CPU Intel Core Ultra kết hợp GPU và NPU, đem lại khả năng tính toán AI mạnh mẽ, cho phép chạy nhiều phần mềm hoặc dịch vụ AI trên laptop.
AI dẫn đầu xu hướng
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường đến từ Ấn Độ - MarketsandMarkets, thị trường AI trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức 190,61 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 36,62% từ năm 2020 đến năm 2025. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi việc tích hợp AI vào các thiết bị điện tử tiêu dùng, trong đó có laptop.
Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC cũng nhận định, các thiết bị có tích hợp AI như laptop đã tăng cường khả năng xử lý và phân tích dữ liệu thời gian thực, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và nâng cao hiệu suất công việc. IDC cũng dự đoán, năm 2024, hơn 75% các thiết bị máy tính cá nhân sẽ có tích hợp AI dưới một hình thức nào đó, từ trợ lý ảo đến các hệ thống quản lý năng lượng thông minh .
“Việc tích hợp AI vào các bộ xử lý và hệ thống quản lý năng lượng đã giúp tăng hiệu suất lên tới 30% và kéo dài thời lượng pin thêm 20% so với các thế hệ laptop trước đây không có AI. Điều này được thể hiện rõ ràng qua các sản phẩm như MacBook với chip M2 và M3 của Apple, nơi AI giúp tối ưu hóa các tác vụ dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế”, báo cáo của Gartner, tập đoàn chuyên nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu tại Mỹ cũng đã chỉ ra những ưu điểm mà AI mang lại.
Tương tự, theo nghiên cứu của Công ty phát triển và tiếp thị các sản phẩm mạng Juniper Research, AI sẽ giúp giảm thiểu 85% các cuộc tấn công mạng vào các thiết bị máy tính cá nhân vào năm 2025. Như vậy, AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa trước khi chúng gây ra thiệt hại, nhờ khả năng phân tích hành vi đáng ngờ và học hỏi từ các mô hình tấn công mới.
Có thể thấy, sự xuất hiện của các mẫu laptop tích hợp AI đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng và giới chuyên gia công nghệ. Đa số người dùng đều đánh giá cao các tính năng AI trong việc tối ưu hóa hiệu suất và thời lượng pin, đặc biệt là các tính năng bảo mật thông minh và tiện ích trong công việc hàng ngày. Một số người dùng cho rằng, việc tích hợp AI giúp họ làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh làm việc từ xa trở nên phổ biến.
Trong tương lai, AI dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra một loạt các cơ hội và thách thức mới cho ngành công nghiệp laptop; nhất là với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, AI sẽ không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa phần cứng và phần mềm mà còn mang lại nhiều cải tiến đáng kể, giúp laptop trở thành công cụ làm việc và giải trí mạnh mẽ, thông minh hơn.
Một trong những khả năng tiên tiến mà AI có thể mang lại là dự đoán và đáp ứng nhu cầu của người dùng một cách chính xác hơn. Thay vì phải tự điều chỉnh các cài đặt hoặc cấu hình, người dùng có thể tận hưởng một trải nghiệm hoàn toàn tự động và cá nhân hóa. Chẳng hạn, AI có thể theo dõi thói quen sử dụng, phân tích dữ liệu để đưa ra các đề xuất tối ưu hóa công việc, từ việc quản lý thời gian đến việc tối ưu hóa hiệu suất trong các ứng dụng nặng.
Hơn nữa, AI có khả năng tạo ra các tính năng và ứng dụng hoàn toàn mới. Ví dụ, các trợ lý ảo thông minh có thể trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu, giúp người dùng quản lý công việc, lịch trình và thậm chí gợi ý các giải pháp sáng tạo khi gặp phải các vấn đề phức tạp. Những trợ lý này sẽ học hỏi từ người dùng, hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của họ để cung cấp những lời khuyên hữu ích và chính xác.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng có một số lo ngại về tính bảo mật và quyền riêng tư khi các thiết bị sử dụng công nghệ AI. Người dùng lo ngại rằng, các hệ thống AI có thể thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý của họ. Đây là một trong những thách thức lớn mà các nhà sản xuất cần phải giải quyết để giành được lòng tin từ khách hàng.
Vì thế, các chuyên gia công nghệ cho rằng, các hãng cần phải đảm bảo tính an toàn và minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân, tránh gây ra những hậu quả tiêu cực không mong muốn. Dù vậy, các nhà sản xuất và người tiêu dùng đều có thể kỳ vọng vào một tương lai, nơi AI đóng vai trò trung tâm trong việc cải thiện và cá nhân hóa trải nghiệm sử dụng laptop.