Tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukraine: Chuyện không đơn giản

Ý tưởng về việc chuyển tài sản của Nga đang bị đóng băng cho Ukraine phục vụ công cuộc tái thiết sau xung đột xem ra rất hấp dẫn, nhưng không dễ để hiện thực hóa, không chỉ bởi rào cản về mặt pháp lý, mà còn có thể đặt các công ty phương Tây trước nguy hiểm.

Eclipse, một siêu du thuyền có liên quan đến nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt Roman Abramovich, cập cảng tại khu du lịch Marmaris của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/3/2022. Ảnh tư liệu: Reuters

Eclipse, một siêu du thuyền có liên quan đến nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt Roman Abramovich, cập cảng tại khu du lịch Marmaris của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/3/2022. Ảnh tư liệu: Reuters

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, Nga đã phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có. Theo tờ Foreign Policy ngày 13/1, từ đó tới nay, các đồng minh phương Tây đã trừng phạt hơn 1.200 cá nhân, hơn 120 tổ chức và 19 ngân hàng của Nga. Hãng tin AFP ngày 12/2 cho biết thêm các lệnh trừng phạt đã khiến một lượng lớn tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt, lãnh đạo Nga trị giá 350 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài.

Cuộc xung đột Nga -Ukraine chuẩn bị diễn ra được một năm. Bom đạn đã khiến cơ sở hạ tầng của Ukraine thiệt hại nặng nề. Nhiều cầu cống, đường xá bị xới tung, nhiều tòa nhà bị đổ sụp hoặc cháy rụi và từ tháng 10 năm ngoài là hàng loạt trạm biến áp, lưới điện bị tấn công bởi máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo của các lực lượng Nga. Trước tình hình đó, các chính trị gia và nhà vận động ở phương Tây đang thúc đẩy đem số tài sản của Nga bị đóng băng phục vụ cho công cuộc tái thiết ở Ukraine.

Trong một phát biểu đăng trên website của Ủy ban châu Âu ngày 30/11/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng ta đã phong tỏa 300 tỷ euro của Ngân hàng Trung ương Nga và chúng ta đã đóng băng 19 tỷ euro của các nhà tài phiệt Nga”. Theo bà Ursula von der Leyen, “Nga phải trả giá tài chính cho sự tàn phá mà nước này gây ra (ở Ukraine). Thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu ước tính khoảng 600 tỷ euro. Nga và các nhà tài phiệt của họ phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine và trang trải chi phí tái thiết Ukraine”.

Trong một quan điểm khá tương đồng với bà Ursula von der Leyen, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1/2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tuyên bố: “Quá nhiều thiệt hại đã xảy ra và quốc gia gây ra thiệt hại đó phải trả giá”. Trước đó, vào tháng 12/2022, Canada lần đầu tiên khởi động thủ tục chuyển giao khoảng 26 triệu USD của một công ty thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Roman Abramovich bị trừng phạt - điều mà đại sứ Nga tại Canada ví như một hành vi “ăn cướp giữa ban ngày".

Diễn biến mới nhất cho thấy các nỗ lực liên quan tiếp tục được thúc đẩy. Hãng tin AFP cho hay, vào đầu tháng 2/2023, Ủy ban châu Âu đã cam kết "đẩy mạnh hoạt động hướng tới việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine". Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic thúc ép công khai hành động "càng sớm càng tốt". Nhưng dường như Estonia mới là nước đi đầu trong Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới việc chuyển giao tài sản của Nga để tái thiết Ukraine. Tháng trước, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhấn mạnh các thành viên EU cần phải thúc đẩy việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Estonia đã công bố kế hoạch đưa ra cơ sở pháp lý cho việc tịch thu 20 triệu euro (21 triệu USD) tài sản của Nga mà họ đã đóng băng.

Đóng băng là một công cụ yêu thích được các chính phủ phương Tây sử dụng để trừng phạt một người hoặc một công ty hoặc một quốc gia dựa trên việc phong tỏa tài sản của họ đến khi họ thay đổi hành vi. Nhưng tịch thu có nghĩa chính phủ áp đặt lệnh sẽ nắm giữ tài sản đó vĩnh viễn. Không có gì ngạc nhiên khi tịch thu là hành động được sử dụng phổ biến trong các vụ án hình sự. Chẳng hạn, nhiều năm qua, cảnh sát thuế Italy đã tịch thu một lượng lớn tiền và tài sản thuộc về các thành viên mafia phạm tội, đồng thời phong tỏa một lượng tiền, biệt thự và du thuyền khổng lồ thuộc về những người Nga giàu có.

Cờ Nga bay trên nóc tòa nhà Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh tư liệu: EPA/EFE

Cờ Nga bay trên nóc tòa nhà Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh tư liệu: EPA/EFE

Tuy nhiên, từ đóng băng tới tịch thu là cả một chặng đường dài. Theo luật sư Francis Bond thuộc công ty luật Macfarlanes có trụ sở tại London, đóng băng tài sản tương đối dễ dàng, nhưng việc tịch thu tài sản phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn nhiều. Luật sư Bond cho rằng để biến việc đóng băng thành tịch thu trong bối cảnh luật pháp hiện hành như của Vương quốc Anh thì cần phải có bằng chứng về tội phạm. “Chính phủ không thể tự ý tịch thu tài sản mà không thuyết phục tòa án rằng có bằng chứng phạm tội”, luật sư Bond nhấn mạnh.

Anton Moiseienko, một chuyên gia luật quốc tế đến từ Đại học Quốc gia Australia cũng cho rằng vấn đề hiện nay là “không thực sự biết rằng các tài sản bị phong tỏa là tài sản có được từ phạm tội”. Trả lời phỏng vấn hãng AFP, chuyên gia này nói: “Việc tịch thu chúng đặt ra thách thức đối với các quyền con người và pháp lý cơ bản, chẳng hạn như quyền sở hữu tài sản, quyền được bảo vệ khỏi bị trừng phạt tùy tiện hoặc quyền được xét xử miễn phí”. Hơn nữa, “làm thế nào bạn sẽ chứng minh rằng họ (tài sản bị tịch thu) có được từ phạm tội mà không có sự hợp tác của Nga?", chuyên gia Moiseienko nói thêm.

Ngoài ra, theo AFP, các vấn đề khác phát sinh do các hiệp ước đầu tư song phương hoặc quốc tế đã ký với Nga, có khả năng khiến các quốc gia (tịch thu tài sản của Nga) phải đối mặt với các khiếu kiện pháp lý tại các tòa án trọng tài quốc tế trong tương lai. Về phần mình, tờ Foreign Policy cho rằng tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga nghe rất hấp dẫn, nhưng việc sung công chúng mà không có bằng chứng phạm tội còn gây nguy hiểm cho các công ty phương Tây.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tich-thu-tai-san-cua-nga-de-tai-thiet-ukraine-chuyen-khong-don-gian-20230213120042204.htm