Tích tụ đất đai, chuyển đổi cây trồng
Cánh đồng tiểu khu Đông Hòa, thị trấn Nông Cống vốn là chân đất cát, lại cách xa nguồn thủy nông nên khó khăn về nước tưới. Nhiều vụ sản xuất lúa không hiệu quả, anh Nguyễn Văn Giáp đã nghiên cứu, định hướng chuyển đổi sang các cây trồng phù hợp hơn với điều kiện sản xuất. Thuê thêm diện tích của các hộ dân lân cận, cùng với chính sách hỗ trợ của địa phương, gia đình anh đầu tư vào 5.000m2 để phát triển mô hình trồng hoa và rau màu trong nhà màng. Vụ sản xuất này, anh xuống giống 5 vạn hoa cúc, 30 vạn hoa huệ và luân phiên các loại rau họ cải. Đến nay, tuy chưa đến thời kỳ thu hoạch nhưng diện tích trồng hoa đã được thương lái đặt cọc để thu mua toàn bộ.
Mô hình trồng hoa trong nhà màng tại thị trấn Nông Cống.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, trong năm 2020, địa phương đã thực hiện chuyển đổi được 375 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất mới. Nếu tính từ năm 2016 đến nay, con số này là 1.400 ha. Các mô hình sản xuất mới được hình thành chủ yếu là trang trại, gia trại tổng hợp, cá - lúa, vùng sản xuất rau an toàn và công nghệ cao, với hiệu quả kinh tế gấp từ 5-7 lần trồng lúa.
Đồng Xốn, xã Thọ Trường (Thọ Xuân) cũng được xem là điển hình trong chuyển đổi mô hình sản xuất từ vùng đất kém hiệu quả. Sâu trũng, cấy lúa 1 vụ không ăn chắc nên trước kia, 130 ha đất nông nghiệp ở Đồng Xốn ít khi được canh tác và nhiều thời điểm gần như bị bỏ hoang. Trước tình hình đó, chính quyền xã Thọ Trường đã mạnh dạn đứng ra làm cầu nối, khuyến khích các hộ có điều kiện, nhu cầu thuê lại đất của các hộ có diện tích đất sâu trũng để đầu tư xây dựng các gia trại, trang trại. Đại diện UBND xã Thọ Trường cho biết, để tạo điều kiện cho người thuê đất yên tâm đầu tư lâu dài, chính quyền xã đã đứng ra làm cầu nối, với hợp đồng thuê khoán được xác định thời hạn sử dụng đất lâu dài tương ứng với quyền sở hữu của bên cho thuê theo Luật Đất đai. Đồng thời, dựa trên cơ sở tính toán hợp lý so với năng suất, hiệu quả canh tác để đưa ra mức giá khoán thầu hợp lý, bảo đảm người cho thuê đất không bị thiệt thòi. Đến nay, đã có 13 hộ thuê đất với diện tích 75 ha tại đây để nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi tổng hợp. Đồng Xốn trũng thấp ngày nào, nay đã được các hộ dân đầu tư, cải tạo quy củ với hệ thống chuồng trại kiên cố, ao cá, cây ăn quả, đạt hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/mô hình.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được 20.507 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 11.801 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.468 ha, còn lại là chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 2,5 đến 4 lần so với trước khi chưa chuyển đổi. Một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu, hoa, cây cảnh hoặc sản xuất công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 8 đến 10 lần sản xuất truyền thống. Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cho rằng, việc tiếp cận đất đai vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn tâm lý muốn “giữ đất” mà chưa mặn mà với việc góp đất, cho thuê đất, trả đất khi không có nhu cầu. Điển hình như hàng trăm ha đất tại xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) vẫn là cánh đồng hoang sau nhiều năm người dân không canh tác.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu khiến năng suất nông nghiệp bấp bênh. Cùng với đó, giá vật tư đầu vào không ngừng tăng, nên sản xuất nhỏ, đơn thuần dựa vào thiên nhiên, hiệu quả rất thấp. Cùng với sự xuất hiện của các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy đã khiến một bộ phận nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng và dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, mặc dù không có nhu cầu sử dụng, nhưng người dân không dễ dàng từ bỏ tư liệu sản xuất khiến doanh nghiệp, hộ cá thể có nhu cầu thuê đất gặp không ít khó khăn, hoặc phải thuê với giá cao. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh công tác tuyên truyền, chính quyền các địa phương cần đóng vai trò trung gian trong công tác tổ chức và hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nhu cầu thuê đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn có điều kiện tiếp cận đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất đai ở các địa phương.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tich-tu-dat-dai-chuyen-doi-cay-trong/127868.htm