Tích tụ để làm ăn lớn

Dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; liên kết hợp tác xã để tổ chức sản xuất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đó là 5 phương thức tập trung tích tụ ruộng đất nông nghiệp được xây dựng tại Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) nhìn nhận, việc xây dựng Nghị định này là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo quy định nhà đầu tư có thể chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5000 m2.

Điểm đáng chú ý là quy định một số cơ chế chính sách chưa được Luật Đất đai quy định như: cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp sau đó cho nhà đầu tư thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trung tập phát triển quỹ đất, được thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi đất nông nghiệp của người sử dụng đất sau đó cho nhà đầu tư thuê, thuê lại để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trung tâm được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để cho nhà đầu tư thuê, thuê lại đất nông nghiệp gắn với cơ sở hạ tầng.

Dự thảo Nghị định cũng có riêng quy định về tiếp cận, hỗ trợ tín dụng. Theo đó hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án đầu tư, phương án sản xuất hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án...

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý vẫn còn băn khoăn với nhiều nội dung tại dự thảo. Về tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất, ông Phan Duy Thiều - Phó phòng kế hoạch tài chính, Sở NN&PTNT Nghệ An đề nghị, nên hạ quy mô tích tụ đối với tổ chức kinh tế. Theo ông Thiều, việc tích tụ quy mô tối thiểu 20 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân sẽ làm được nếu chuyển từ đất nông lâm trường sang, song nếu từ hộ dân thì rất khó khăn vì diện tích đất quy mô lớn còn lại không nhiều. Như thông tin Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD), cho biết hơn 70% diện tích mảnh ruộng ở Việt Nam có diện tích dưới 0,5ha. Hơn thế, với việc áp dụng khoa học công nghệ cao, ngay cả trang trại công nghiệp cũng không cần diện tích đất lớn như vậy.

Bà Khổng Thị Thịnh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, do chưa có quy định pháp lý dẫn tới việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp nên hầu hết đều làm theo ý kiến chủ quan của mỗi địa phương. Hầu hết các mô hình tích tụ chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với những người dân có ruộng đất và chủ yếu là người địa phương thuê đất của nhân dân địa phương. Đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân từ nơi khác đến thuê, mua thực hiện thông qua hợp tác xã và UBND xã. Tuy nhiên diện tích đất 5% công ích do UBND xã quản lý và chỉ cho gia đình cá nhân thuê theo hình thức đấu giá, thời gian cho thuê tối đa 5 năm chưa đủ dài để đầu tư sản xuất theo hình thức tích tụ, tập trung và doanh nghiệp không được thuê diện tích đất này.

Bởi vậy bà Thịnh rất mong mỏi nghị định sớm ban hành sớm để tháo gỡ được cho tỉnh cũng như nhiều địa phương khác. Tuy nhiên bà cũng đề nghị làm rõ: việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp chỉ thực hiện 1 trong 3 tiêu chí hay phải đảm bảo cả 3 tiêu chí như dự thảo là “tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Về thời hạn của phương án sản xuất, kinh doanh, bà đề nghị với hộ gia đình tối thiểu là 10 năm và 20 năm đối với tổ chức. Đồng thời đề xuất Ban soạn thảo cần quy định rõ quy mô bao nhiêu được gọi là quy mô lớn. Đối với phương án phục hồi đất nông nghiệp sau khi kết thúc dự án đề nghị áp dụng đối với cả hộ gia đình và tổ chức.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tich-tu-de-lam-an-lon-95526.html