Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Để hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tỉnh Quảng Trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, huyện Triệu Phong đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Trong đó, tiêu biểu như mô hình cánh đồng mẫu lớn của HTX Đạo Đầu, xã Triệu Trung diện tích 120 ha với số lượng thành viên hơn 700 người. Năm 2024, HTX Đạo Đầu sẽ tiếp tục tích tụ ruộng đất, thí điểm mỗi khu vực sẽ đạt diện tích rộng từ 15 - 17 ha.
Giám đốc HTX Đạo Đầu Phan Ngọc Tâm cho biết, những năm qua HTX đã tự đầu tư kinh phí để thực hiện việc tích tụ ruộng đất, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Bước đầu mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tập trung của HTX Đạo Đầu nói riêng và các mô hình tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn huyện Triệu Phong đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp.
Ông Phan Ngọc Tâm cho biết thêm: “Chúng tôi rất mừng khi được biết tới đây, tỉnh và huyện sẽ có chính sách để hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất. Trước mắt, HTX sẽ ứng một phần kinh phí thực hiện trước quá trình tích tụ tập trung đất đai để mở rộng diện tích canh tác, thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Theo ông Tâm, nhờ sản xuất với diện tích lớn, nguồn giống phù hợp và ứng dụng tốt khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nên những năm qua hiệu quả canh tác cũng như thu nhập của HTX, thành viên HTX ngày càng được nâng lên.
Bên cạnh sản xuất lúa hữu cơ, lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích lớn ở vùng đồng bằng, nhiều vùng gò đồi đất đai màu mỡ cũng đã được khai phá để phát triển các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả.
Trong số đó, thành công của mô hình trồng cây cam tập trung với diện tích gần 50 ha thuộc vùng đồi K4 ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã minh chứng cho hiệu quả mang lại từ việc tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh. Cam K4 đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, sản phẩm VietGap năm 2021 và đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, cam quả mang thương hiệu “Cam K4 Hải Phú” bán trên thị trường có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, thời gian qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng đã tích cực khâu nối, liên kết giữa người dân và các doanh nghiệp để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ cam K4 ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...
Vùng gò đồi sỏi đá, khó khăn ngày nào giờ đã mang lại thu nhập cao cho người nông dân cũng như tạo ra vùng chuyên canh cam có tiếng cho địa phương. Cũng như nhiều nông dân trồng cam trong vùng, ông Trần Kim Phúng gắn bó với vùng đồi K4 đã được 15 năm.
“Gia đình tôi đến nay phát triển được 3,5 ha cam chuyên giống Vân Du và Xã Đoài. Nhờ có diện tích canh tác lớn nên tôi rất thuận lợi trong sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch. Những năm gần đây, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập sau khi trừ mọi chi phí đạt khoảng 500 - 600 triệu đồng từ cây cam. Cây cam đã giúp gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở địa phương đổi đời, có cuộc sống sung túc”, ông Phúng cho biết.
Tỉnh Quảng Trị đã có các chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để các HTX đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, phát triển các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả.
Đến nay, toàn tỉnh có 295 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp với tổng số 73.000 thành viên. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được hình thành bước đầu phát huy hiệu quả. Nổi bật là các mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại huyện Triệu Phong; cam K4 Hải Lăng; nuôi tôm thương phẩm tại Vĩnh Linh...
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến cho biết: năm 2024, hội sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực tạo nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn lực hỗ trợ đó, hội sẽ phấn đấu xây dựng các mô hình mới, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong toàn tỉnh.
Để thành công về lâu dài và mang tính bền vững, tỉnh Quảng Trị tập trung các nguồn lực thực hiện Nghị quyết 162/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh; đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên doanh, liên kết với nông dân.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, động viên Nhân dân tích tụ, chuyển nhượng, thuê, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất vào doanh nghiệp, HTX để phát triển, tạo ra vùng sản xuất lớn. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các HTX, hộ nông dân tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.