Tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất hàng hóa

Trong sản xuất nông nghiệp, tích tụ, tập trung đất đai tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa quy mô theo hình thức 'cánh đồng lớn'. Tuy nhiên, tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nỗi lo “tư hữu” đất, mất tư liệu sản xuất

Công ty TNHH Hà Lâm Phong là doanh nghiệp tiên phong, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Sa Pa với lĩnh vực chính là sản xuất nấm hương xuất khẩu. Trên diện tích 1,5 ha, công ty đã xây dựng nhà trồng nấm, nhà ươm, nhà nhân giống. Mỗi năm, công ty xuất khẩu hơn 80 tấn nấm hương sấy khô sang thị trường Đài Loan, lợi nhuận kinh tế mang lại khoảng 5 tỷ đồng. Với hiệu quả kinh tế cao, doanh nghiệp này mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên để mở rộng quy mô, doanh nghiệp đối mặt với khó khăn lớn là không thể thuê đất của người dân. Anh Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc công ty cho biết: Phải thuê được đất với thời gian dài, dồn điền, đổi thửa mới có thể đầu tư xây dựng các nhà trồng nấm. Trong khi đó, người dân sợ mất đất nên không muốn cho thuê đất, nếu có thì cũng đòi hỏi với mức giá “trên trời” thành ra việc mở rộng quy mô là rất khó.

Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn khi thuê đất của người dân.

Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn khi thuê đất của người dân.

Khó khăn của Công ty TNHH Hà Lâm Phong cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai. Với yếu tố địa hình chia cắt, nông dân vẫn sở hữu đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên sản xuất cũng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, tính liên kết chưa cao. Tích tụ ruộng đất có thể hiểu là người dân “chuyển giao” quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất. Diện tích đất cho thuê sẽ do doanh nghiệp đứng ra quản lý, sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, với tâm lý sợ mất đất, không có tư liệu sản xuất, đất bị đồn điền đổi thửa dẫn đến việc khó nhận lại nguyên trạng hoặc xảy ra tranh chấp trong tương lai khiến người dân nông thôn còn e ngại, việc tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, giá cho thuê đất hiện vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại thị xã Sa Pa (50 triệu đồng/ha/năm), gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Tập trung đất cho sản xuất hàng hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp, 28 hợp tác xã, 32 cá nhân tham gia tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp. Hình thành 87 liên kết sản xuất, trong đó hình thức liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với người dân là 34 liên kết; thuê quyền sử dụng đất là 42 liên kết; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 4 liên kết. Tổng quy mô đất sản xuất có sự liên kết trên địa bàn tỉnh đạt 19.000 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn cần phải tích tụ, tập trung đất, mục tiêu tạo thành “cánh đồng lớn”, tạo ra vùng nguyên liệu và hàng hóa đồng bộ theo những quy chuẩn nhất định, có mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro. Ngoài chi phí cho thuê đất (khoảng 30 - 50 triệu đồng/ha/năm), người dân có thể có thêm thu nhập từ việc làm thuê trên chính diện tích đất của gia đình, thu nhập đạt cao hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Công ty TNHH Hà Lâm Phong thuê đất, thuê lao động địa phương để trồng nấm hương.

Công ty TNHH Hà Lâm Phong thuê đất, thuê lao động địa phương để trồng nấm hương.

Thực tế hiện nay, nông dân vẫn sản xuất theo quy mô hộ, mỗi gia đình 1 mảnh đất nhỏ nên “mạnh ai nấy làm”, không thể đưa các loại máy móc vào để cơ giới hóa vì diện tích nhỏ dẫn tới chi phí cho lao động rất lớn. Nhằm từng bước thay đổi thói quen sản xuất, tạo tâm lý yên tâm cho nông dân cũng như loại bỏ nỗi lo “tư hữu” đất, các doanh nghiệp và hợp tác xã hiện đang thực hiện phương pháp liên kết các nông hộ nhỏ thành vùng sản xuất lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn hay còn gọi là tập trung đất. Đây là hình thức người dân vẫn được giữ quyền quản lý và sử dụng đất, “góp đất” của gia đình thành “cánh đồng lớn” thông qua việc sản xuất theo các liên kết với những tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng ràng buộc giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu về tập trung đất như mô hình góp đất cùng tổ chức sản xuất của Công ty TNHH MTV Hoàng Bằng, liên kết với người dân trồng 510 ha chuối; mô hình ký hợp đồng thu mua sản phẩm, ứng trước vật tư cho người sản xuất của Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, Công ty Cổ phần Chè Phong Hải, Công ty TNHH MTV Mường Hoa, Công ty TNHH Chè Đại Hưng liên kết sản xuất 3.171 ha chè; mô hình liên kết thu mua sản phẩm của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt (trồng 232 ha dâu nuôi tằm); hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương trồng 200 ha ớt, 176 ha lúa Séng cù.

Các hình thức tích tụ đất trong sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa được hình thành và phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Các mô hình tích tụ, tập trung đất để sản xuất hàng hóa đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra các sản phẩm đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, chủng loại theo nhu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp tích cực khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của các hộ nông dân.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/tich-tu-tap-trung-dat-dai-cho-san-xuat-hang-hoa-z3n20200707092008164.htm