Một blogger có tên gọi technofetishist mới đây đã đăng tải trên trang instagram của mình những hình ảnh về một căn cứ quân sự chưa rõ địa điểm của Nga.
Chi tiết khiến nhiều người quan tâm nhất ở đây chính là hàng dài tiêm kích đánh chặn MiG-25 vẫn đang trong tình trạng kỹ thuật khá tốt, cho thấy chúng có thể được phục hồi hoạt động.
Điều này không gây nhiều ngạc nhiên bởi thời gian gần đây người Nga đang cho thấy họ rất tích cực khôi phục hoạt động cho nhiều phương tiện quân sự ra đời từ thời Liên bang Xô Viết.
Nhưng trong khi MiG-25 vẫn được bảo quản khá nguyên vẹn thì chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy rất nhiều chiếc MiG-31 - phiên bản nâng cấp của MiG-25 lại bị bỏ mặc ngoài trời đến mức hoang phế.
Những bức ảnh dưới đây được chụp tại một khu vực bỏ hoang gần thủ đô Moskva, nơi đang lưu trữ hơn chục khung thân máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31 trong tình trạng mục nát.
Được biết đây chính là hậu quả của thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ, Không quân Nga khi đó chẳng thể nào đáp ứng chi phí vận hành cho loại tiêm kích nổi tiếng đắt đỏ như MiG-31.
Tuy nhiên thay vì mang đi bảo quản để tái sử dụng, các chiến đấu cơ nhanh nhất thế giới này lại bị vứt ra ngoài trời và để mặc việc bị chìm trong băng tuyết.
Đây là những chiếc MiG-31 thuộc biên chế Trung đoàn tiêm kích phòng không số 174, chúng có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới Liên Xô - Phần Lan - Na Uy.
Sau khi Liên Xô tan rã, nhiệm vụ của Trung đoàn 174 là bảo vệ không phận nước Nga, đơn vị đóng quân tại Monchegorsk, họ đã từng bước lâm vào tình trạng trì trệ hoạt động và bị giải tán vào năm 2001.
Nếu những tiêm kích MiG-31 này được bảo quản tương tự như cách người Mỹ làm tại căn cứ Davis Monthan thì có lẽ bây giờ ít nhất Không quân Nga đã chẳng phải vất vả đi tìm nguồn phụ tùng thay thế cho phi đội của mình.
Ngôi sao đỏ - Biểu tượng của Không quân Liên Xô cũng như Không quân Nga ngày nay được sơn trên cánh đuôi đứng của chiếc tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới.
Các máy bay được vứt ra "nghĩa địa" đã bị tháo bỏ toàn bộ động cơ cũng như hệ thống điện tử hàng không, chỉ còn lại phần khung vỏ.
Với kích thước thuộc hàng khủng của mình, phần không gian bên trong thân máy bay MiG-31 rất rộng rãi, một người lớn có thể đi lại dễ dàng trong đó.
Một chiếc ống Pitot (bộ phận gắn trên mũi máy bay) có tác dụng đo đạc các thông số như áp suất khí quyển, vận tốc máy bay.
Góc nhìn từ khoang lái chiếc MiG-31, khi còn hoạt động thì chẳng một phi công chiến đấu nào của phương Tây muốn máy bay của mình lọt vào khung hình trên.
Bộ phận càng đáp phục vụ hạ cánh của máy bay thật ngạc nhiên là còn khá nguyên vẹn, cả những chiếc lốp cũng vậy, chúng còn khá căng và chưa có dấu hiệu bị xuống hơi.
Hệ thống đường ống dẫn dầu thủy lực, nhiên liệu, cùng dây điện tại khu vực này vẫn còn lại khá nguyên vẹn, có lẽ do chúng không có hiệu quả khi tái sử dụng.
Khi máy bay còn hoạt động, những bộ phận này luôn được bao bọc cẩn thận trong các lớp vỏ kín chứ không bị "lộ thiên" như trong tình trạng hiện tại.
Bạch Dương