Tiếc thương đồng chí Lê Khả Phiêu - người lính cụ Hồ giàu nhiệt huyết

Ngày 14-8, trong dòng người vào viếng tang tại Hội trường Thống Nhất, có nhiều người xúc động mang theo những mối ân tình, kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu qua những dịp gặp gỡ và tiếp xúc, làm việc chung.

Tấm hình kỷ niệm ông Lê Quốc Sơn chụp cha mình với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong "lần gặp gỡ cuối cùng"

Tấm hình kỷ niệm ông Lê Quốc Sơn chụp cha mình với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong "lần gặp gỡ cuối cùng"

Thay mặt cho người cha là Trung tướng Lê Nam Phong năm nay đã ngoài 90 tuổi, ông Lê Quốc Sơn cho biết, cha mình là bạn cùng chiến đấu với đồng chí Lê Khả Phiêu năm xưa. 5 tháng trước, ông đưa cha ra bắc thăm “chú Năm Phiêu”. Gặp nhau, chú Năm Phiêu ôm lấy cha ông, vẻ mừng rỡ nhưng nước mắt lại trào. Ông bảo, cuộc gặp gỡ này có lẽ là lần cuối cùng… Ông Sơn đâu ngờ lời nói ấy nay đã trở thành hiện thực.

Điều làm ông cảm phục nhất ở đồng chí nguyên Tổng Bí thư, chính là sự gần gũi đầy chất lính, và nhiệt huyết với lời tâm niệm: “khi trái tim còn đập thì còn tiếp tục cống hiến” và nhiều lần sẻ chia niềm mong mỏi đất nước thanh bình, giàu có. Nguyên Tổng Bí thư còn dặn dò ông, việc gì lợi cho đất nước thì nhỏ cũng ráng làm, việc gì hại cho nước, thì dù nhỏ cũng đừng làm…

Còn với ông Nguyễn Chơn Trung (Sáu Quang), nguyên Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TPHCM lại nhớ về “anh Năm Phiêu” như một người ở vị trí lãnh đạo cao nhất nhưng rất biết lắng nghe ý kiến người khác, dù là ở cấp nào. Đó là khi ông Sáu Quang gửi đồng chí Lê Khả Phiêu cuốn sách mới xuất bản về vận dụng học thuyết Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn TPHCM. Một tháng sau, buổi chiều khi ông vừa đi làm về thì đồng chí Lê Khả Phiêu gọi điện, nói rằng đã đọc và rất ủng hộ cuốn sách này.

Một điều ấn tượng của ông Sáu Quang đối với đồng chí Lê Khả Phiêu, là khi chuẩn bị ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, dù có nhiều cản trở nhưng Tổng Bí thư rất quyết tâm. Và chính Hiệp định Việt – Mỹ đã thúc đẩy, thu hút đầu tư các nước tư bản vào Việt Nam. Ông Sáu Quang đánh giá đây là hành động quyết đoán, mở đường cho đất nước đi lên như ngày hôm nay.

Trong sổ tang, một người con xứ Thanh, một nhà báo chiến trường – ông Vũ Ngọc Xiêm lặng lẽ ghi: “Em đến thăm anh Năm, nhưng chẳng còn được nghe anh nói, giọng nói anh rõ ràng, ấm áp…”. Ông Xiêm nhớ những lời thân thương mà anh Năm Phiêu vẫn thường nhắc, về những ngày gặp nhau hàng tuần ở Bộ Chỉ huy Miền, những ngày ngồi chung xuồng đi kiểm tra tình hình bão lụt ở miền Tây. Với ông Xiêm, đó là giọng nói ấm tình đồng chí, đồng đội, không phân biệt vị trí chức vụ, khi đã là người đứng đầu Đảng, thì với anh em ông vẫn đối xử thân tình, đậm chất lính.

"Anh Năm Phiêu" thân thương trong những dòng ghi sổ tang của những người tới viếng. Ảnh: M.HOA

"Anh Năm Phiêu" thân thương trong những dòng ghi sổ tang của những người tới viếng. Ảnh: M.HOA

Đến 17 giờ 30, dưới cơn mưa lớn, nhiều đoàn khách và các gia đình vẫn tiếp tục vào viếng tang, thắp nén nhang tưởng nhớ và tiễn đưa đồng chí Lê Khả Phiêu.

Theo chương trình, lễ viếng diễn ra từ 8 giờ ngày 14-8 đến 12 giờ ngày 15-8. Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 ngày 15-8. Lễ an táng diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Cùng thời gian này, lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) và Hội trường 25B, đường Quang Trung, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa, là quê hương của đồng chí).

MAI HOA - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiec-thuong-dong-chi-le-kha-phieu-nguoi-linh-cu-ho-giau-nhiet-huyet-679578.html