Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với lao động tự do
Hiện nay, trên thị trường lao động nước ta nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đối tượng lao động tự do (LĐTD) chiếm tỉ lệ khá lớn. Bên cạnh những khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập thấp, không ổn định, đây là nhóm đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và thường phải chịu thiệt thòi khi không may xảy ra những rủi ro, bất trắc trong quá trình làm việc.
Làm phụ nề khiến chị Lê Thị Bé ở huyện Triệu Phong phải bắt đầu công việc từ sáng sớm và trở về nhà khi chiều muộn. Vất vả mấy chị Bé cũng chịu được nhưng điều khiến chị lo lắng nhất là công việc của mình luôn tiềm ẩn rủi ro về TNLĐ. Trường hợp một thợ nề rơi từ trên nhà cao tầng xuống đất, bị thương nặng dẫn đến tử vong cách đây ít năm ở TP.Đông Hà vẫn còn ám ảnh chị. Chị Bé cho biết: “Chúng tôi chỉ biết làm việc để kiếm tiền chứ các kiến thức về an toàn lao động thì không được ai hướng dẫn, chỉ bảo. Chủ yếu là chị em đi làm tự học hỏi nhau để giảm những tai nạn rủi ro. Chúng tôi chỉ biết cố gắng làm việc cẩn thận để không xảy ra tai nạn”.
So với nhiều công việc khác, công nhân xây dựng thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nguy hiểm do thời gian làm việc trong ngày kéo dài, tần suất làm việc ở ngoài trời lớn, nguy cơ xảy ra TNLĐ cao… Thế nhưng, hầu hết trong số họ lại không được trang bị kiến thức về an toàn lao động, không có đủ bảo hộ lao động cần thiết trong khi làm việc. Phần lớn lao động ở lĩnh vực này không có hợp đồng với chủ thầu xây dựng. Vì vậy, họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp… Khi không may xảy ra TNLĐ, họ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Một chủ thầu xây dựng cho biết, đội thợ của ông có khoảng 15 - 20 người, đều không ký kết hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận bằng miệng. Tuy nhiên theo ông, khi không may xảy ra TNLĐ đối với thợ thì chủ thầu phải đứng ra hỗ trợ kinh phí điều trị. Mức độ hỗ trợ bao nhiêu tùy thuộc vào điều kiện và sự quan tâm của chủ thầu, chứ không có quy định cụ thể.
Còn đối với ông Lê Văn Triều ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là thợ cơ khí, từ ngày bị phôi thép bắn vào mắt do thiết bị che chắn không đảm bảo an toàn khiến thị lực bị ảnh hưởng, ông đã bỏ nghề về quê phụ vợ làm nông. Cũng như nhiều LĐTD khác, để có thu nhập trang trải cuộc sống, trước đây ông Triều xin làm thợ cơ khí cho một doanh nghiệp tư nhân ở TP. Đông Hà với mức tiền công 5 triệu đồng/tháng. Công việc cũng không quá nặng nhọc, nên nếu không có tai nạn xảy ra thì ông Triều cũng tranh thủ làm thêm vài năm để có tiền nuôi con ăn học. Theo ông Triều, một số tai nạn thường gặp trong gia công cơ khí là bị vấp ngã, bỏng phôi, điện giật, quần áo bị cuốn vào máy... Nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do thiếu thiết bị bảo hiểm; thiết bị che chắn không đảm bảo an toàn; bộ phận điều khiển thiết bị hỏng hay hoạt động không chính xác, hiệu quả. Ngoài ra còn có các nguyên nhân chủ quan là người lao động hoặc chủ sử dụng lao động vi phạm các tiêu chuẩn, quy trình sử dụng máy an toàn trong quá trình làm việc; vi phạm nội quy an toàn của xưởng, nơi làm việc; điều kiện môi trường làm việc kém...
LĐTD là đối tượng dễ để xảy ra tai nạn nhất và cũng là đối tượng yếu thế nhất. Phần lớn trong số họ phải làm việc với cường độ cao, làm việc trong môi trường độc hại nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động thiết yếu, thiếu kỹ năng về vệ sinh an toàn lao động. Mặt khác, đa số LĐTD không được chủ ký kết hợp đồng lao động nên khi không may xảy ra TNLĐ hoặc những rủi ro đáng tiếc thì lại không được hưởng bất cứ chế độ gì, tiền nằm viện, thuốc men chủ yếu là thương lượng với chủ thầu, thậm chí rất dễ bị sa thải nếu không còn đủ sức khỏe làm việc. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn cũng khó có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động trong những trường hợp này.
Theo Luật BHXH, từ tháng 1/2008, cơ quan BHXH đã triển khai hình thức BHXH tự nguyện. Theo quy định của luật này, những người lao động tự tạo việc làm từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Đây là điều kiện để LĐTD có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của nhà nước nhưng trên thực tế không phải LĐTD nào cũng tham gia. Phần lớn do trình độ, nhận thức của người lao động còn nhiều hạn chế nên chưa thấy hết được lợi ích của việc tham gia các loại hình bảo hiểm. Mặt khác, do điều kiện kinh tế của LĐTD còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài. Khi được hỏi về việc tham gia đóng BHXH tự nguyện, BHYT để đề phòng khi rủi ro, ốm đau và đảm bảo cuộc sống khi về già, nhiều LĐTD đều tỏ ra không mấy “mặn mà”. Như trường hợp của chị Bé, mặc dù ý thức được công việc của mình có thể xảy ra TNLĐ bất cứ lúc nào nhưng chị lại không mua bảo hiểm. Chị cho biết: “Tôi cũng muốn mua BHXH để phòng thân lắm chứ nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi tiêu thì lấy đâu ra mà đóng. Thôi thì may nhờ, rủi chịu...”.
Thiếu kiến thức, hiểu biết chính sách pháp luật lao động để thỏa thuận với người thuê khi thương lượng về thời gian, giá cả, điều kiện việc làm nên người LĐTD thường phải chịu nhiều rủi do. Thiết nghĩ, các cấp, ngành cần có sự quan tâm hơn đến đối tượng này, có những chính sách hỗ trợ, biện pháp bảo vệ và tổ chức đứng ra đại diện quyền lợi cho người LĐTD, tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp LĐTD nâng cao hiểu biết, kiến thức về pháp luật lao động, vệ sinh an toàn lao động. Cá nhân người lao động cũng cần phải tự bảo vệ quyền lợi của mình như yêu cầu chủ sử dụng lao động phải ký hợp đồng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm TNLĐ… chứ không phải luôn trong tình trạng “may nhờ, rủi chịu” như thực tế đang diễn ra.