Ngã tư An Sương hoàn thiện hai hầm chui vào năm 2020. Dự án hầm chui An Sương dài 385 m thông xe sau 5 tháng thi công, góp phần giảm kẹt xe, tai nạn ở cửa ngõ Tây Bắc.
Tầng cao nhất là cầu vượt An Sương, chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1A.
Với lưu lượng xe lớn vào giờ cao điểm, bốn hướng "vệ tinh" của nút giao vẫn thường xuyên kẹt xe hoặc ùn ứ. Trong ảnh, một xe buýt đang quay đầu để vào bến xe An Sương gây ùn ứ phương tiện giao thông chiều từ Củ Chi, Tây Ninh về trung tâm TPHCM.
Tầm 17 giờ, lượng phương tiện bắt đầu đông dần.
Hầm chui nút giao thông vòng xoay cầu vượt An Sương là một trong những dự án trọng điểm giải quyết ùn tắc giao thông của TPHCM. Nhánh hầm N1 (Trường Chinh - QL.22) dài 445m.
Trong đó, đoạn hầm kín dài 125m, tĩnh không cao 4,75m; hầm hở phía Trường Chinh dài 140m, phía QL.22 dài 120m.
Nhánh hầm N2 (quốc lộ 22 - Trường Chinh) dài 385m. Trong đó, đoạn hầm kín dài 125m, tĩnh không cao 4,75m; hầm hở phía quốc lộ 22 dài 120m và phía Trường Chinh dài 140m.
Tại khu vực hầm chui An Sương cũng được thiết kế một hố gom nước đáp ứng lượng mưa khoảng 100mm. Khi mưa lớn đổ xuống, nước mưa sẽ theo hệ thống nước trong hầm chảy về hố và có hệ thống bơm nước ra cống nước hiện hữu, tiêu nước. Tổng mức đầu tư của dự án 514 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số người dân kém ý thức tham gia giao thông vẫn thường xuyên vi phạm luật.
Một người điều khiển xe máy thản nhiên đi vào đường cấm.
Người dân chọn cách băng ngang quốc lộ 22 để sang bến xe An Sương giữa dòng phương tiện đông đúc.
"Cầu vượt cao và ở xa bến xe quá, mình lại xách đồ nặng nên đi vậy cho tiện. Với lại, bậc thang lên cầu vượt tiết diện nhỏ, đi không thuận chân. Hôm trước, tôi trượt té một lần nên cũng sợ", chị Nguyễn Thị Thu, ngụ quận 6 chia sẻ khi vừa băng ngang quốc lộ 22.
Phía quốc lộ 1A, hướng từ Thủ Đức về miền Tây có làn ưu tiên quẹo phải. Tuy nhiên, người điều khiển xe máy nếu đi thẳng thường rơi vào điểm mù của xe tải trọng lớn nếu quẹo phải.
Theo người dân sống ở khu vực này, có rất nhiều vụ tai nạn từ việc xe máy đi thẳng, xe lớn quẹo phải.
Một người dân đang chờ để vượt qua dòng xe "siêu trường, siêu trọng".
Ông Nguyễn Quốc Phú (ngụ quận 12) tâm tư: "Phần mặt đường (tầng thứ 2) giữa hai nhánh hầm chui là đường hai chiều, nhiều người đi xe lười vòng dưới chân cầu vượt An Sương nên thường rẽ trái luôn ngay chỗ này. Mà khi rẽ trái nếu không chú ý, do hành lang bảo vệ hầm che khuất tầm nhìn thì rất dễ va chạm với dòng ô tô di chuyển hai chiều. Cách đây không lâu, một người đàn ông bị xe tải tông gãy chân vì rẽ trái nhưng thiếu quan sát ở đoạn này".
"Ngã tư An Sương bây giờ đỡ lắm, không còn cảnh kẹt xe như ngày xưa. Mấy năm trước khi chưa có hầm chui, anh em xe ôm tụi tui cũng hay nhào ra điều tiết khi chưa có CSGT. Giờ phương tiện di chuyển qua đoạn này nhiều hơn nhưng không có cảnh kẹt, chỉ dồn ứ thôi", ông Nguyễn Văn Cường, chạy xe ôm ở ngã tư An Sương gần 20 năm chia sẻ.
"Riêng mấy cái biển báo này tôi nghĩ nên hạ thấp xuống. Tôi ngồi ở đây thường xuyên chứng kiến tài xế xe container hay bị vướng do không thấy biển báo. Có thể thấy rõ thanh chắn đã bị tông rất nhiều lần, đến nỗi cong vênh như vậy", ông Cường bày tỏ.
Từ cabin xe container rất khó quan sát thấy biển báo trên nhịp cầu vượt An Sương.
Nhánh N1 bên trái được hoàn thiện vào năm 2018, nhánh N2 bên phải hoàn thiện vào năm 2020. Ngã tư An Sương hoàn thiện nút giao ba tầng đã góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, tai nạn chết người do xung đột giao thông...
Phạm Nguyễn