Tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam là nơi trung chuyển hàng tránh thuế, giả mạo xuất xứ Việt Nam
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, là nơi để gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đây là thông tin từ Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp và và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, diễn ra ngày 14/11.
Việt Nam là một đối tác thương mại và đầu tư lý tưởng vì đã tham gia hàng loạt FTA với tất cả các nền kinh tế chính và tiềm năng trở thành trung tâm đầu tư. Việt Nam lại có chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam là nguồn nhập khẩu lớn nhất ở châu Á của Mỹ. Việt Nam cũng đã hội nhập sâu trong chuỗi giá trị của một số sản phẩm. Vì thế, đã có nhiều hiện tượng Việt Nam bị mượn đường, bị hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ VN để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viện nhằm hưởng thuế suất ưu đãi.
Nguy cơ tiềm ẩn chuyển tải bất hợp pháp sang Mỹ, sang EU
Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã chỉ ra hiện tượng chuyển tải tiềm tàng từ Trung Quốc qua Việt Nam đối với những sản phẩm phải chịu các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Mỹ.
“Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng tăng tương ứng”, ông Claudio Dordi dẫn chứng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2010-2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 16,3% thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 16,22%.
Đã có những sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ tăng nhiều nhất kể từ khi Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc. Như dây điện và cáp điện tăng tới 252,3%, chấu dẻo nguyên liệu tăng 147,8%, đồ gỗ tăng 140 %...
Xuất khẩu sang EU cũng đang có dấu hiệu tương tự. Xuất khẩu sang EU tăng mạnh các mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu tăng tới 1199,5%, gạo tăng 130%...
Một dấu hiệu nữa là đầu tư từ Trung Quốc và HongKong vào Việt Nam tăng đột biến, so với cùng kỳ 2018 đầu tư từ Trung Quốc tăng 200% và từ Hong Kong tăng 394% với quy mô dự án nhỏ.
Với đầu tư quy mô nhỏ thì không thể là dự án đầu tư chiều sâu. Đã có nghi ngờ đầu tư vào Việt Nam chỉ là để lập ra những cơ sở lắp ráp sản phẩm nhằm lấy xuất xứ của Việt Nam qua đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
Thực tế, Hải quan Việt Nam đã phát hiện một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Vạch trần những phương thức, thủ đoạn đội lốt hàng Việt Nam, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết Hải quan Việt Nam cũng đã phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu hàng về Việt Nam trên chứng từ vận đơn ghi xuất xứ Việt Nam nhưng hàng lại được xếp lên tàu từ cảng ở Trung Quốc và trên sản phẩm dán tem ghi Made in Vietnam kèm theo thông tin bằng chữ Achentina…
Thủ đoạn nữa là thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, hoặc phụ tùng tháo rời bán cho công ty khác. Công ty mua linh kiện phụ tùng này chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp đơn giản và ghi sản xuất tại Việt Nam, xin cấp CO xuất xứ Việt Nam...
Bổ sung thêm thông tin về gian lận xuất xứ, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI cho biết có khoảng 80% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp đến VCCI xin cấp C/O, và trong tổng số hàng gỗ xuất đi chỉ có 42% có xin cấp C/O, có tới 34 triệu USD giá trị đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ không do VCCI cấp C/O.
Đẩy mạnh rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến
Việc Việt Nam bị lợi dụng để chuyển tải bất hợp pháp, bị lợi dụng và gian lận xuất xứ… sẽ để lại hệ lụy lớn. Ông Michael Green, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ thì nhấn mạnh: Gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương lành mạnh giữa Việt Nam với Mỹ và những đối tác thương mại quan trọng khác, đồng thời cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Claudio Dordi thì cảnh báo nước nhập khẩu phải quản lý chặt hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn với hàng nhập khẩu và gia tăng điều tra, thậm chí nước nhập khẩu sẽ sử dụng biện pháp tăng thuế, tăng hàng rào kỹ thuật... Như thế các doanh nghiệp tuân thủ tốt, làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đáng lưu ý từ 2015 đến nay, Mỹ đã điều tra rất nhiều vụ việc về điều tra lẩn tránh thuế với việt Nam..
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, VCCI và các chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn gian lận xuất xứ, kinh nghiệm điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực và chủ động thực hiện Đề án về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại được ban hành tại Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019. Thực hiện đề án này, ngày 23/8/2019 Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động tại quyết định số1662/QĐ-BTC. Thông qua dự án Tạo thuận lợi thương mại thực hiện trong 5 năm, USAID đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng các phương thức quản lý rủi ro ngăn chặn vi phạm.
Hải quan Việt Nam cũng đã hợp tác với cơ quan phòng chống gian lận châu Âu (OLAF) và kết nối thông tin với hải quan, cơ quan các nước để phối hợp điều tra, xác hành vi gian lận xuất xứ… Ông Âu Anh Tuấn cho biết các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh rà soát các giao dịch, doanh nghiệp có xuất nhập khẩu hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành phân tích, điều tra làm rõ vi phạm.