Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh trong và sau mưa bão

Hiện nay, với tình hình thời tiết trong và sau mưa bão sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Từ đó, dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng người dân. Để hiểu rõ hơn về các loại dịch bệnh thường xảy ra trong và sau mưa bão và biện pháp phòng chống, Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa cấp II Trần Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng về nội dung này.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, trong điều kiện thời tiết trong và sau mưa bão sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người dân?

Phóng viên: Thưa bác sĩ, trong điều kiện thời tiết trong và sau mưa bão sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người dân?

Bác sĩ Trần Văn Dũng: Điều kiện thời tiết trong và sau mưa, bão, lũ lụt kết hợp với môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề, các loại vi khuẩn, vi-rút và côn trùng là trung gian truyền bệnh phát triển mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh và bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Các bệnh thường gặp như: tiêu chảy cấp; lỵ; thương hàn; bệnh ngoài da; đau mắt đỏ; sốt xuất huyết; tay - chân - miệng... kết hợp với tình hình dịch Covid-19 và cúm mùa hiện nay tạo nên mô hình dịch bệnh rất đa dạng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là đối với người cao tuổi và trẻ em.

Phóng viên: Trước tình hình đó, hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai như thế nào?

Bác sĩ Trần Văn Dũng: Khu vực miền Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng chúng ta nói riêng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa, bão, lũ lụt như các tỉnh bạn ở miền Trung. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phòng ngừa dịch bệnh chung trong nước và thế giới đối với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, cụ thể như: Triển khai đầy đủ và đồng bộ các quy trình phòng, chống các loại dịch bệnh lưu hành tại địa phương (Covid-19, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi...). Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ gây dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng nhanh, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để lây lan rộng. Hoạt động truyền thông được triển khai mạnh mẽ, đa dạng, giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của bản thân và gia đình trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các bệnh lưu hành thường xuyên tại địa phương (sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi...) cũng như các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Covid-19, tả, thương hàn…); các bệnh lây truyền từ động vật sang người (cúm A, dại, viêm não...). Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, cũng như tiêm chủng dịch vụ, vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh đã có vắc xin bảo vệ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các điểm trường mẫu giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ… trong việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể các cấp, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phát hiện, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép về địa phương nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập cộng đồng.

Phóng viên: Về phía ngành chuyên môn có những khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trần Văn Dũng: Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay và các tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể như sau:

* Đảm bảo nguồn nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cũng như sau khi trở về nhà từ bên ngoài.

* Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp... Mang khẩu trang đúng và giữ khoảng cách khi đến chỗ đông người.

* Diệt lăng quăng/bọ gậy; xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày.

* Giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng; tập thể dục đều đặn, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

* Phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi cư trú thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng theo khuyến cáo của ngành y tế.

* Đặc biệt, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, có biểu hiện lạ liên quan đến sức khỏe… cần liên hệ hoặc đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất. Không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

KGT (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/tiem-an-nhieu-nguy-co-gay-benh-trong-va-sau-mua-bao-43272.html