Tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ đồ ăn vặt cổng trường

Những món hoa quả dầm, xúc xích rán, xiên cá viên chiên hay những chiếc kẹo, bánh xanh, đỏ mẫu mã bắt mắt, giá rẻ… đang được bày bán tràn lan tại cổng các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn Thành phố. Hầu hết các loại đồ ăn, nước uống này đều không có nguồn gốc rõ ràng, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Vào thời điểm đầu giờ học và tan trường, tại khu vực cổng Trường Tiểu học – THCS Chiềng Sinh (Thành phố), các hàng quán đồ ăn vặt không còn "cắm chốt” như trước đây, mà thay vào đó là những xe đẩy bán hàng “cơ động”. Điều đáng nói là, trên những xe hàng rong này bày la liệt các loại thức ăn nhanh được nhiều học sinh ưa thích, như: Nem chua, xúc xích, cá viên chiên, bánh kẹo, bim bim, ô mai đỏ màu, đủ các mẫu mã, nhưng đa số là hàng có nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không có tem phụ sản phẩm; nhiều loại kẹo, bánh còn không có nhãn mác, bao bì được đóng trong túi nilon trắng...

Học sinh mua đồ ăn sáng tại cổng Trường Tiểu học - THCS Chiềng Cọ (Thành phố).

Học sinh mua đồ ăn sáng tại cổng Trường Tiểu học - THCS Chiềng Cọ (Thành phố).

Chị Nguyễn T. H bán đồ ăn sáng bằng xe đẩy tại cổng trường, cho biết: Tôi bán bánh mỳ ba tê, xôi, xúc xích, đồ uống ở cổng trường này đã được 7 năm, chưa có trường hợp nào mua hàng của tôi bị ngộ độc, vì tôi làm “rất đảm bảo và uy tín”, giá lại rẻ, nên có nhiều “khách ruột”. Nhưng khi được hỏi thì xôi không phải chị tự làm, ruốc thịt và hành khô, ba tê cũng do chị nhập từ dưới xuôi, giá xôi từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, ruốc thịt trộn hành 60.000 – 70.000 đồng/kg; trên xe đẩy cũng chẳng có các thiết bị che đậy đồ ăn.

Còn tại khu vực cổng Trường Tiểu học - THCS Chiềng An (Thành phố) có tới 5 - 7 hàng quán bày bán đủ các loại đồ ăn cho học sinh. Giờ ra chơi, tan học là các nhóm học sinh túm tụm cùng nhau thưởng thức. Một số loại thực phẩm được nướng, rán để trên nóc tủ hoặc kệ gỗ bày bán ngay lề đường trong điều kiện trời mưa, nắng và bụi bặm không được che đậy… Khi được hỏi về vấn về thực phẩm có an toàn không? Em Hoàng Đức Long, học sinh lớp 8A, Trường Tiểu học - THCS Chiềng An, cho biết: Một ngày, bố mẹ em cho 15.000 đồng để ăn sáng, những thực phẩm này chúng em ăn nhiều rồi, giá rẻ mà ngon chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/sản phẩm, phù hợp với học sinh chúng em.

Các loại bim bim, đồ ăn có màu sắc bắt mắt không rõ nguồn gốc được bày bán tại các quán ăn vặt cổng Trường Tiểu học - THCS Chiềng An (Thành phố).

Các loại bim bim, đồ ăn có màu sắc bắt mắt không rõ nguồn gốc được bày bán tại các quán ăn vặt cổng Trường Tiểu học - THCS Chiềng An (Thành phố).

Những đồ ăn vặt tại vỉa hè ít ai biết được có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không, nhưng chúng đem lại lợi nhuận cho người bán và đáp ứng nhu cầu sử dụng của rất nhiều học sinh: “nhanh, rẻ, tiện lợi”, nên hằng ngày, việc mua bán vẫn diễn ra đều đặn theo kiểu “có cầu ắt sẽ có cung”. Không chỉ vậy, trong thời gian có dịch COVID – 19 còn xuất hiện hình thức đặt đồ ăn, nước uống trên mạng, được ship tới cổng trường và học sinh mang về lớp chia nhau ăn, uống... Trong khi đó, phụ huynh và nhà trường không thể kiểm soát được. Một thực trạng là khi các cơ quan chức năng đến thì những người bán hàng quà vặt rất nhanh chuyển đi chỗ khác, nhưng sau khi các cơ quan chức năng đi khỏi thì lại “ đâu vào đó”, không thể kiểm soát triệt để tình trạng này.

Thầy giáo Phạm Thái Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Chiềng An, cho biết: Trước thực trạng trên, nhà trường đã tích cực tuyên truyền về vệ sinh ATTP từ quà vặt qua các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, ngoại khóa, qua các môn học... giúp các em nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cùng tuyên truyền tới phụ huynh về ATTP; đề nghị phụ huynh quản lý tiền tiêu vặt, nấu ăn sáng cho con trước khi đi học... Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Đội Quy tắc trật tự của phường thường xuyên nhắc nhở, vận động những quán hàng vỉa hè, xe hàng rong, không bày bán các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc tại khu vực gần trường học... Tuy tình trạng học sinh ăn quà vặt trước cổng trường đã giảm, nhưng chưa triệt để.

Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, chỉ tính riêng quý I/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 126 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó 2 ca ngộ độc thực phẩm nhiều người, trong số đó có vụ ngộ độc do đồ ăn vặt cổng trường vào tháng 10/2020, với 23 trường hợp học sinh của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Cọ (Thành phố) bị ngộ độc do ăn đồ ăn vặt cổng trường. Đây là hồi chuông cảnh báo cho phụ huynh, học sinh về việc mất vệ sinh ATTP cổng trường. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh về nguy cơ ngộ độc từ quà vặt cổng trường là việc làm cần thiết, cấp bách, nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh.

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tiem-an-nhieu-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-tu-do-an-vat-cong-truong-39528