Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý, bảo vệ môi trường các khu công nghiệp tại Hải Phòng

Kiểm toán hoạt động quản lý môi trường tại các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2017-2021 của TP. Hải Phòng, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra, nhiều KCN đã đi vào vận hành nhưng chưa tuân thủ đầy đủ quy định về hồ sơ môi trường; một số KCN xả thải vượt quy chuẩn; chất thải rắn, chất thải nguy hại chưa được quản lý chặt chẽ… Những bất cập này có thể dẫn đến rủi ro trong quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) tại các KCN…

KTNN chỉ ra những bất cập có thể dẫn đến rủi ro trong quản lý, BVMT tại các KCN của TP. Hải Phòng. Ảnh: ST

KTNN chỉ ra những bất cập có thể dẫn đến rủi ro trong quản lý, BVMT tại các KCN của TP. Hải Phòng. Ảnh: ST

Nhiều cơ sở vận hành khi chưa đầy đủ hồ sơ môi trường

Đánh giá việc thực hiện công tác BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong các KKT, KCN, Báo cáo kiểm toán nêu rõ, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hải Phòng, tính đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn Thành phố có 11 KCN đã đi vào hoạt động, trong đó 11/11 KCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc Đề án BVMT chi tiết; 11/11 KCN đã được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH); 7/11 KCN đã có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN hoặc cho từng hạng mục công trình; 8/11 KCN đã được cấp Giấy phép xả thải, 2/11 KCN được cấp giấy phép khai thác nước mặt; các cơ sở thứ cấp cơ bản đã có ĐTM, Đề án BVMT hoặc Kế hoạch BVMT.

Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN chỉ ra tại nhiều KCN chưa tuân thủ đầy đủ quy định về hồ sơ môi trường. Cụ thể như, tại KCN MP Đình Vũ (Chủ đầu tư Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư bất động sản Minh Phương) chưa được UBND Thành phố cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; hệ thống xử lý nước thải tập trung 300 m3/ngày đêm chưa được Bộ TNMT kiểm tra, xác nhận…

Tại KCN Tràng Duệ (Chủ đầu tư Công ty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng) chưa báo cáo kết quả thực hiện công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án gửi Bộ TNMT kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 2 - công suất 4.000 m3/ngày đêm. Tại KCN An Dương (Chủ đầu tư Công ty TNHH Liên hợp đầu tư Thâm Việt), Công ty thay đổi một số nội dung ĐTM (quy hoạch KCN, điều chỉnh vị trí của nhà máy xử lý nước thải…) nhưng chưa kịp thời lập lại ĐTM trình cơ quan quản lý xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện; sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm (tối đa 6 tháng) chưa kịp thời lập báo cáo kết quả thực hiện các công trình BVMT gửi Bộ TNMT kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi vận hành. KCN Deep C2A (Chủ đầu tư Công ty CP KCN Hải Phòng) và KCN Deep C2B (Chủ đầu tư Công ty CP công nghiệp Hồng Đức) cũng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN…

Đối với các cơ sở thứ cấp thuộc KKT, KCN, kết quả kiểm tra của Ban Quản lý KKT, Sở TNMT giai đoạn 2017-2021 cũng đã phát hiện một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định về hồ sơ môi trường như: Không có hồ sơ môi trường phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh; thay đổi ngành nghề, mở rộng quy mô, nâng công suất nhưng chưa báo cáo, lập lại ĐTM trình cơ quan quản lý xem xét; chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành dự án…

Tính đến ngày 22/01/2021, theo rà soát của Sở TNMT, trong phạm vi KKT, KCN, còn 17 dự án thuộc đối tượng lập hồ sơ vận hành thử nghiệm, 50 dự án thuộc đối tượng phải đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT. Ngoài ra, qua rà soát cho thấy, một số trường hợp đã đi vào hoạt động nhưng đến ngày 31/12/2021 chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT.

KTNN kiến nghị UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc KKT, KCN nghiêm túc chấn chỉnh và có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, BVMT đã được KTNN chỉ ra. Ban Quản lý KKT Hải Phòng, Sở TNMT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thu thập thông tin để hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tình hình quản lý, BVMT đối với các cơ sở thuộc KKT, KCN; rà soát tổng thể tình hình triển khai, xây dựng, vận hành của cơ sở, dự án thuộc KKT, KCN gắn với việc thực hiện các quy định về BVMT và việc khắc phục các tồn tại, hạn chế phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong giai đoạn 2017-2021, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo KTNN, việc các cơ sở vận hành khi chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường được duyệt có thể dẫn đến các rủi ro trong công tác quản lý, BVMT như: Các tác động môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành dự án chưa được đánh giá một cách đầy đủ; chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức. Bên cạnh đó, các biện pháp giảm thiểu tác động, các công trình BVMT chưa được đề xuất, thực hiện phù hợp, bảo đảm hiệu quả. Thực tế, một số trường hợp vận hành khi chưa được kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, dẫn đến xả nước thải có thông số cao hơn quy chuẩn cho phép, bị xử phạt vi phạm hành chính như: KCN MP Đình Vũ, KCN An Dương hoặc bị dư luận phản ánh, phải dừng hoạt động…

Công tác thu gom, xử lý nước thải, chất thải, khí thải còn nhiều bất cập

Liên quan đến công tác quản lý, thu gom và xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong KKT, KCN, kết quả kiểm toán cho thấy, do công tác xây dựng, nâng cấp, vận hành hệ thống xử lý nước tập trung chưa kịp thời nên có thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý khi gia tăng số lượng cơ sở thứ cấp. Theo số liệu quan trắc nước thải tự động của Sở TNMT, chất lượng nước thải từ hệ thống xử lý tập trung của một số KCN có thời điểm cao hơn quy chuẩn như: KCN Đồ Sơn, VSIP, Nam Đình Vũ, Nomura. Kết quả kiểm tra của Ban Quản lý KKT, Sở TNMT năm 2017-2021 cho thấy, một số cơ sở chưa tuân thủ quy định về quản lý nước thải (tự ý lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sản xuất, chưa thu gom nước thải nguy hại; chưa quan trắc đầy đủ tần suất, thông số nước thải…); một số KCN xả thải vượt quy chuẩn đã bị Tổng cục Môi trường xử phạt năm 2019 (KCN An Dương, KCN MP Đình Vũ).

Báo cáo kiểm toán cũng nêu việc tổng hợp số liệu về tình hình phát sinh chất thải rắn thông thường, nguy hại của các cơ sở thứ cấp chưa đầy đủ. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng giai đoạn 2017-2021 chỉ ra, một số cơ sơ chưa tuân thủ quy định về quản lý chất thải rắn như chưa có hợp đồng với đơn vị chức năng về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, về chuyển giao rác thải sinh hoạt; chưa lập kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; kho lưu trữ chất thải nguy hại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật… Những tồn tại trên dẫn đến rủi ro là các chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Đối với công tác quản lý khí thải, số liệu quan trắc tự động của Sở TNMT ghi nhận chất lượng khí thải từ một số hệ thống xử lý của các cơ sở trong KKT, KCN có một số thời điểm vượt ngưỡng; một số cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải theo cam kết tại hồ sơ môi trường được duyệt; chưa ghi chép đầy đủ nhật ký vận hành hệ thống xử lý khí thải./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tiem-an-nhieu-rui-ro-trong-quan-ly-bao-ve-moi-truong-cac-khu-cong-nghiep-tai-hai-phong-33401.html