Tiềm ẩn rủi ro khi trồng sầu riêng ồ ạt
Sầu riêng hiện là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Phước có 7.506 ha sầu riêng, chiếm 43,2% diện tích cây ăn trái của tỉnh; trong đó, diện tích cho sản phẩm 3.539 ha. Những năm gần đây, giá sầu riêng luôn ở mức cao, do vậy diện tích loại cây trồng này không ngừng tăng. Mùa trồng mới năm nay, nhiều nông dân chuyển đổi các loại cây khác để trồng sầu riêng.
Ồ ạt trồng sầu riêng
Sau thời gian tìm hiểu, học tập mô hình trồng sầu riêng của người thân ở tỉnh Đắk Lắk và một số nơi trong huyện, gia đình anh Bùi Ngọc Bộ ở thôn Bù Gia Phúc, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập quyết định chuyển đổi 2 ha điều sang trồng sầu riêng. Anh Bộ chia sẻ: “Mấy năm gần đây, cây điều bị sâu bệnh gây hại, tình trạng mất mùa, mất giá liên tục khiến gia đình thất thu. Ngược lại, sầu riêng ổn định ở giá cao trong nhiều năm qua. Nếu chăm sóc tốt, đạt năng suất, chất lượng cao thì 1 ha sầu riêng có thể cho thu tiền tỷ, gấp nhiều lần so với trồng điều”. Để thực hiện, gia đình anh Bộ đã chi 300 triệu đồng đầu tư máy bơm, giếng khoan, hồ chứa nước tưới trong mùa khô và hệ thống ống tưới chất lượng cao. Anh Bộ kỳ vọng vào quyết định của gia đình.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Trung Tính ở thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa có 3,5 ha điều và cà phê. Nhiều năm gắn bó với mô hình này, nhưng bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình ông chỉ để dành được hơn 100 triệu đồng. Cách đây 5 năm, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng 420 cây sầu riêng. Vụ mùa 2024, mặc dù năm đầu tiên thu bói nhưng 370 cây có trái đã cho thu 1 tỷ đồng. So với tổng chi phí 870 triệu đồng trong 5 năm đầu tư, gia đình vẫn có lời. Do vậy, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi 1 ha điều còn lại sang trồng sầu riêng. “Với 1 ha này, tôi trồng được 150 cây, tổng chi phí gồm làm đất, khoan lỗ, mua cây giống, phân bón và hệ thống tưới hết khoảng 90 triệu đồng. Hiện cây đã bén rễ” - ông Tính cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Trường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nghĩa chia sẻ: Hiện giá sầu riêng tăng cao, tình trạng nông dân trong huyện, xã chuyển đổi các loại cây khác sang trồng sầu riêng khá phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, xã hiện có khoảng 125 ha sầu riêng. Trong đó, 55 ha đang cho thu hoạch, sầu riêng 3-4 năm tuổi hơn 30 ha, đến tháng 7-2024, diện tích trồng mới ước khoảng 40 ha. “Qua công tác nắm tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, chúng tôi tuyên truyền nông dân cần tính toán kỹ có nên chuyển đổi hay không. Bởi sầu riêng là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc, trong khi chi phí đầu tư cao, nhiều năm sau mới có thu hoạch. Do vậy cần cân nhắc, tránh tình trạng nông dân không đủ điều kiện chăm sóc dẫn đến phá bỏ, rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng, gây thiệt hại kinh tế” - ông Trường nhấn mạnh.
Hạn chế trồng mới, nâng chất sản phẩm
Dọc quốc lộ 14, từ TP. Đồng Xoài lên huyện Bù Đăng có khoảng 20 cơ sở bán cây giống. Qua tìm hiểu thực tế, nhu cầu người dân mua sầu riêng về trồng cao hơn so với các loại cây khác. Nguồn cây giống chủ yếu được lấy từ vườn ươm tại các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Mặc dù giá bán dao động từ 130-160 ngàn đồng/cây, song nhiều cơ sở vẫn không đủ cây giống để bán.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7.506 ha sầu riêng toàn tỉnh, nhiều nhất là tại các huyện Bù Đăng 3.602 ha, Phú Riềng 880 ha, Bù Gia Mập 798 ha, Lộc Ninh 630 ha. Giống sầu riêng chủ lực là Dona và Ri6. Trong đó, diện tích Dona chiếm 61%, Ri6 chiếm 31%; các giống khổ qua, chín hóa, chuồng bò, giống khác chiếm 8%. Niên vụ 2023-2024, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 9,9 tấn/ha. Đặc biệt, tại các vùng trồng có mã số, năng suất bình quân đạt 16 tấn/ha.
Năm nay, giá sầu riêng Ri6 trung bình 72 ngàn đồng/kg hàng loại A tại vườn, giá sầu riêng Dona trung bình 80 ngàn đồng/kg (thời điểm cao nhất 112 ngàn đồng/kg hàng loại A, thấp nhất 50 ngàn đồng/kg hàng xô). Toàn tỉnh hiện có hơn 30 chuỗi liên kết trồng sầu riêng. Trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng. Hình thức tiêu thụ là ký kết hợp đồng và bán lẻ qua thương lái. Tuy nhiên thời gian qua, đã xảy ra hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá hợp đồng.
Nguyên nhân do liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp thu mua với hợp tác xã (HTX) còn lỏng lẻo. Niềm tin của thành viên HTX với doanh nghiệp chưa cao, doanh nghiệp chậm điều chỉnh giá theo thị trường, thậm chí không mua hết theo hợp đồng đã ký, chậm thanh toán tiền. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh giá giữa các nhóm nông dân, doanh nghiệp.
Sở NN&PTNT khuyến nghị các HTX cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp có tiềm lực để đảm bảo liên kết theo chuỗi. Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chuẩn đã được chứng nhận, quản lý tốt mã vùng trồng. Người dân cần cân nhắc, tránh tình trạng các hộ không đủ nguồn lực kinh tế, đi vay vốn để đầu tư đại trà.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, quy hoạch của Bình Phước về diện tích cây ăn trái đến năm 2030 là 20.000 ha, hiện theo thống kê ước khoảng 17.000 ha. Mặc dù không quy hoạch riêng từng loại, song diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn cần chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn cung vật tư đảm bảo có nguồn gốc hợp pháp cho cây sầu riêng và các cây trồng khác. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được phép sử dụng; không ngừng nâng chất sản phẩm sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Giá sầu riêng tăng cao, nông dân nhiều nơi ồ ạt trồng theo phong trào. Điều này dẫn đến các nguy cơ, hệ lụy khó lường. Trình độ canh tác của người dân chưa đồng đều dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Sầu riêng là cây khó tính, kén thổ nhưỡng, cần nhiều nước, không phải chỗ nào và hộ nào cũng trồng được. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân hạn chế phát triển diện tích sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát. Đối với diện tích đã trồng, chính quyền và ngành chức năng tuyên truyền người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông TRẦN VĂN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 131.000 ha sầu riêng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 24%, tương đương khoảng 27.000 ha. Đây là cây trồng có tỷ lệ tăng cao nhất trong các cây trồng chủ lực của Việt Nam những năm qua. Trong đó, có gần 55.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 850 ngàn tấn. Sầu riêng của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Các địa phương, trong đó có Bình Phước, nếu không kịp thời khuyến cáo người dân hạn chế trồng ồ ạt, diện tích sầu riêng sẽ tiếp tục tăng nhanh, trong khi không kịp thời mở rộng thị trường tiêu thụ sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá sầu riêng khó giữ được mức cao và lợi nhuận như hiện nay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/160401/tiem-an-rui-ro-khi-trong-sau-rieng-o-at