Tiềm ẩn rủi ro với ngành gỗ
Số liệu thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành gỗ tăng mạnh so với năm 2018. Theo đó, tính đến hết tháng 9, ngành gỗ nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018.
Có thể nói ngành gỗ đang chứng kiến sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức: Dự án đầu tư mới; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất; góp vốn thông qua hình thức mua cổ phần. Những động thái này cho thấy đây vẫn là ngành hấp dẫn các nhà dầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung có thể tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên nhìn vào số vốn FDI gia tăng vào ngành này, các chuyên gia ngành gỗ cho rằng, không loại trừ những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó có những nguy cơ sản phẩm gỗ của chúng ta bị áp những chính sách thuế bổ sung, và những nguy cơ điều tra về lẩn tránh thuế có thể sẽ xảy ra với các DN Việt khi có quá nhiều DN FDI thâm nhập vào lĩnh vực này, trong đó có DN Trung Quốc.
Để phát triển bền vững ngành gỗ trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, nhà quản lý cần đưa ra những cơ chế, chính sách hữu hiệu để kiểm soát rủi ro trong đầu tư FDI. Theo đó, Chính phủ có thể bắt đầu bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019. Việc rà soát có thể mở rộng với các DN có vốn đầu tư lớn hơn, trong đó cần nhìn nhận vào các khía cạnh đầu vào của nguồn nguyên liệu và đầu ra của sản phẩm, công suất tiêu thụ nhiên liệu và tiêu thụ điện năng, sử dụng lao động. Tiếp đến, Chính phủ cần thu thập thông tin về tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng” trên cơ sở tạo kênh kết nối trực tiếp với đại diện các hiệp hội để có cơ chế, chính sách can thiệp kịp thời nhằm hạn chế các rủi ro.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/tiem-an-rui-ro-voi-nganh-go-tintuc451949