Tiệm cà phê vợt 70 năm thức cùng hẻm chợ TP.HCM

Đều đặn 2h sáng mỗi ngày, quán cà phê ở chợ Phùng Hưng (quận 5) lại sáng đèn phục vụ những vị khách đầu tiên. Kiểu rang xay bằng củi thêm bơ, rượu tạo hương vị cà phê khác biệt.

- Mai đi cà phê sáng không?

- Được thôi!

Sau một câu rủ ngắn gọn, tôi và người bạn hẹn nhau đi cà phê sớm trước giờ làm. Sáng đó, tôi lọ mọ thức dậy từ 5h30, chuẩn bị đồ đạc và đến chỗ hẹn cách nhà chừng 12 km.

Nhắc đến TP.HCM, người ta thường nói về những khoảng không gian huyên náo, rực rỡ với nhà cao tầng, xe cộ tấp nập... Tuy vậy, đâu đó vẫn còn góc bình yên, xưa cũ như quán cà phê vợt nhỏ tên Ba Lù nằm lọt thỏm giữa lòng khu chợ quận 5.

70 năm lưu giữ hương vị cà phê vợt

Xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, cà phê vợt là một trong những nét ẩm thực đặc trưng của cộng đồng người Hoa. Khi các cách pha cà phê hiện đại còn chưa thịnh hành, dùng vợt vải là kiểu phổ biến, gắn liền với ký ức của nhiều người dân TP.HCM.

Tên gọi cà phê vợt hay cà phê bít tất bắt nguồn từ quy trình pha chế đặc biệt. Cà phê xay nhuyễn, lọc qua vợt vải, ủ trong siêu đất để giữ nguyên hương. Sau đó, nước lọc được đun trên bếp củi khoảng 5-7 phút.

 Quán tọa lạc giữa chợ Phùng Hưng nhộn nhịp.

Quán tọa lạc giữa chợ Phùng Hưng nhộn nhịp.

Tôi gửi xe ở cổng chợ rồi chen giữa dòng người tấp nập tìm địa chỉ. Căn quán nằm những sạp quần áo, hàng đồ ăn. Người qua kẻ lại đông đúc cộng với hàng dù lụp xụp bày ở lối đi khiến tôi khó khăn lắm mới tìm được đến nơi.

Trò chuyện với anh Hùng, chủ quán, tôi được biết ông Ba Lù, cha anh tiếp quản tiệm từ người chủ gốc Hoa những năm 1940, khi mới 17 tuổi. Sau khi cha qua đời, anh cùng các chị em trong nhà bàn nhau kế nghiệp, duy trì quán đến hiện tại.

 Quán nhỏ, không gian chất đầy những vật dụng cũ kỹ.

Quán nhỏ, không gian chất đầy những vật dụng cũ kỹ.

Quán mở cửa quanh năm từ 2-17h, trừ mồng một Tết Âm lịch. Khách quen là tiểu thương ở chợ, người dân trong khu vực và có cả những cụ già đã 70-80 tuổi. Nhiều bạn trẻ tìm đến đây phần vì tò mò món cà phê lạ của người Hoa, phần vì yêu thích không gian hoài cổ giữa phố thị.

Anh Hùng tỏ ra niềm nở khi tôi ngỏ lời xin phép chụp vài kiểu ảnh và hỏi chuyện về thương hiệu tồn tại ngót nghét 70 năm.

Cà phê ở đây được làm thủ công ở mọi công đoạn, từ chẻ củi nhóm lò đến rang chín đều. Cách rang xay bằng củi thêm bơ, muối, rượu để cà phê dậy mùi thơm đặc trưng và giảm vị chát.

"Thường thì mỗi tuần một lần, chúng tôi lại bày vật dụng ra trước cửa nhà rang và xay cà phê theo cách gia truyền. Lúc đó khoảng 14-15h, khi chợ vãn khách", anh Hùng nói.

 Cà phê được ủ trong siêu đất để giữ hương vị.

Cà phê được ủ trong siêu đất để giữ hương vị.

Không gian quán giữ nguyên vẻ giản dị với những dãy bàn ghế đặt trong nhà, ngoài trời và xe pha chế để đủ loại dụng cụ từ siêu đất trên bếp củi, ly, muỗng đến vài chai nước ngọt thủy tinh cũ kỹ.

Khi có khách gọi, anh Hùng nhanh chóng chắt cà phê từ siêu ra ly rồi cho thêm đường hoặc sữa đặc theo yêu cầu. Cà phê pha vợt loãng, màu nhạt chứ không sánh đặc như pha phin, vị dịu nhẹ nên thường được dùng nóng.

Khách đến quán chủ yếu mua mang đi, vài người quen nán lại trò chuyện cùng ông chủ.

 Quán giữ phương pháp pha chế cà phê suốt 70 năm.

Quán giữ phương pháp pha chế cà phê suốt 70 năm.

Ở đây không có thực đơn, chủ quán trực tiếp giới thiệu sơ vài món đồ uống quen thuộc như cà phê đen, cà phê sữa, bạc sỉu. Vì sợ vị đắng chát của cà phê đen, tôi gọi ly pha sữa còn bốc khói thơm lừng. Với tôi, vị cà phê người Hoa khá nhẹ, hơi ngậy dễ làm bằng lòng thực khách.

Sau khi rời quán, tôi đọc được một bài đánh giá trên mạng xã hội, ở đây có phục vụ món cà phê sữa hột gà. Chủ quán đập trứng gà ta nhỏ vào thẳng ly cà phê sữa mới pha. Người dùng chỉ cần khuấy đều tay thật nhanh cho trứng tan ra là có thể uống.

Cà phê còn nóng nên không nghe mùi tanh, bạn có thể cảm nhận vị ngọt ngào của sữa, bị béo của trứng và đắng nhẹ của cà phê. Thật tiếc là tôi không thể thử qua hương vị độc đáo của thứ đồ uống này trong lần đầu tiên đến quán.

 Cà phê loãng, có màu nâu cánh gián khi đặt ngoài trời nắng.

Cà phê loãng, có màu nâu cánh gián khi đặt ngoài trời nắng.

Không gian bán cà phê ở đây khá nhỏ và cũ, càng về trưa càng nóng nhưng thực khách phải lòng cà phê vợt Ba Lù vẫn sẵn sàng quay lại.

Cảm giác ngồi giữa không gian huyên náo của khu chợ sáng, nhấm nháp ly cà phê sữa thơm mùi thuốc bắc là trải nghiệm mà tôi khó lòng quên được.

Ăn thử món bò kho 35 năm tuổi tại TP.HCM Bò kho là món ăn phổ biến tại TP.HCM, được nhiều người ưa thích. Khi nhắc đến bò kho, người ta nghĩ ngay đến vị thơm ngọt của từng thớ thịt và mùi cà ri đặc trưng.

Thảo Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiem-ca-phe-vot-70-nam-thuc-cung-hem-cho-tphcm-post1125999.html