Tiệm hớt tóc, quán nhậu tuân thủ lệnh tạm ngưng hoạt động
Nhiều chủ tiệm hớt tóc, nhà hàng có quy mô phục vụ hơn 30 người đã chấp hành theo thông báo khẩn của TP về việc tạm ngưng hoạt động để phòng dịch COVID-19.
Ngày 24-3, UBND TP.HCM vừa có thông báo khẩn về việc tạm dừng một số hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên). Toàn bộ hoạt động của các nơi này được tạm dừng từ 18 giờ hôm nay (24-3) đến hết ngày 31-3.
Việc tạm dừng hoạt động còn áp dụng đối với câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP.
Theo ghi nhận, chiều 24-3, nhiều cửa hàng salon tóc trên ở TP.HCM khách có đến cắt tóc, làm đẹp có đông hơn mọi khi nhưng không đáng kể.
Nhiều chủ salon tóc cho biết, càng cuối giờ chiều thì lượng khách đông hơn. Khách đến để cắt tóc nhanh rồi rời đi, không gội đầu hay uốn, nhuộm như mọi khi.
Chị Linh Na, quản lý Salon tóc Gu Barber Shop (quận Tân Phú) nói, khi biết thông tin thành phố có công văn khẩn về việc yêu cầu việc tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, Beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, CLB bi da, phòng tập Gym, cơ sở làm đẹp, uống tốc, hớt tóc… thì tiệm nghiêm túc thực hiện theo.
“Chúng tôi sẽ cùng nhân viên thực hiện tốt theo chỉ đạo để phòng, chống dịch COVID-19, cùng cơ quan chức năng đẩy lùi dịch bệnh”, chị nói.
Hiện, salon tóc của chị Na có năm nhân viên. Dù tiệm đóng cửa nhưng chị vẫn hỗ trợ tiền lương cho thợ. Về tiền mặt bằng, chị sẽ làm việc với chủ nhà để được cắt giảm chi phí.
Anh Võ Hoa Trung, chủ salon tóc Trung Quyên (quận Tân Phú) cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát, các tiệm hớt tóc rất thưa khách. Đến hôm nay, khi thành phố có công văn chỉ đạo tạm đóng cửa thì khách có đến đông hơn những vẫn không nhiều.
Anh Trung cho biết, may mắn cho anh là chủ nhà đã giảm giá thuê mặt bằng nên cũng trút được gánh nặng về tiền nong. Anh vẫn sẽ trả lương cho nhân viên với mức phù hợp để họ có thể trang trải trong đợt này.
Ghi nhận lúc 18 giờ 10 phút tại một điểm hớt tóc trên đường số 6 (quận Thủ Đức), chủ tiệm hớt tóc cho hay chị đã biết đến thông báo tạm ngưng hoạt động từ 18 giờ chiều nay.
“Nhưng do khách đến chờ từ chiều, tôi biết thông báo lại muộn nên cắt hết 3 người khách này sẽ đóng quán theo quy định”, chị nói.
18 giờ cùng ngày tại khu vực Thủ Đức, các hàng quán đã chấp hành theo công văn mới của thành phố. Rải rác chỉ có những quán ăn nhỏ hoạt động, khách cũng không quá 10 người trong quán.
Anh Lưu Tuấn Khang, chủ quán ốc Sam (đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) chia sẻ, từ 16 giờ, anh đã biết thông tin tạm đóng dịch vụ kinh doanh.
“Có thông tin vậy nên tôi cũng quyết định cho đóng quán đến hết tháng ngay trong chiều nay. Anh em luôn đồng hành cùng chính phủ vượt qua cơn đại dịch”, anh nói.
Anh Khang cho biết, bản thân anh biết giai đoạn này sẽ rất khó khăn về cả mặt vật chất lẫn tinh thần, kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng; nhưng anh muốn cùng chung tay, góp sức với nhà nước để vượt qua đại dịch.
“Vấn đề lương bổng cho anh em trong quán cũng thật sự khó khăn với tôi. Tôi cũng có nhiều khoản phải lo nữa”, anh chia sẻ.
Vì thông báo đến bất ngờ nên tất cả nguyên vật liệu mà quán đã nhập về trong ngày không kịp xử lý. Anh đã chia bớt cho anh em trong quán, xem như là món quà tinh thần cho mọi người. Tất cả nhân viên của quán cũng đã tự tay chuẩn bị những món ăn để cùng dùng bữa tối với nhau trước khi quán tạm đóng cửa đến hết tháng.
"Hy vọng là mọi người cũng sẽ chấp hành, cùng chung sức để nước nhà mau chóng qua cơn đại dịch", anh Khang nói.
Một tiệm hớt tóc trên đường số 6 vẫn hoạt động sau 18 giờ. Chủ tiệm tóc cho hay, chị có biết thông báo của thành phố về tạm ngưng hoạt động. “Nhưng vì còn sót lại một số người khách đã đến ngồi chờ trước giờ đóng cửa nên chúng tôi định cắt hết cho họ sẽ đóng cửa”, chị nói.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ đã hạn chế người đến mua hành bằng cách thông báo chỉ bán mang đi, không ngồi ở quán, tụ tập đông người. Nhiều hàng quán nhỏ vẫn mở cửa nhưng lượng khách rất ít.