Tiêm kích F-15 tiếp tục được tin dùng
Không quân Mỹ ngày 13-7 (giờ địa phương) đã trao hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD cho tập đoàn Boeing để sản xuất một số lượng không tiết lộ tiêm kích F-15 phiên bản mới nhất mang tên F-15EX.
Đây là thương vụ đầu tiên mà lực lượng này sẽ mua từ khoản ngân sách dự kiến lên tới gần 23 tỷ USD cho kế hoạch trang bị 144 tiêm kích F-15EX trong tương lai được thông qua bởi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2020.
Theo kế hoạch, 2 trong 8 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao từ quý II-2021 để phục vụ công tác nghiệm thu, trong khi lô 6 chiếc sẽ được chuyển cho phía Không quân Mỹ trong năm 2023.
Thương vụ này là một phần nỗ lực thay mới phi đội tiêm kích F-15C/D được biên chế từ những năm 1970 và cũng là lần đầu tiên Không quân Mỹ mua một biến thể của dòng tiêm kích F-15 kể từ năm 2004.
Trước đó, Không quân Mỹ khẳng định rằng tiêm kích F-15C/D không thể đáp ứng nhiệm vụ trực chiến và sẵn sàng chiến đấu tới thập niên 2030 bởi hàng loạt vấn đề nghiêm trọng với khung thân, đặc biệt là hiện tượng mỏi kim loại dọc hai bên sườn máy bay.
Kể từ khi ra đời cho tới nay, chưa có bất cứ một phiên bản F-15 nào bị đối phương bắn hạ trong không chiến. Ngược lại, dòng tiêm kích này đã khắc chế rất nhiều máy bay chiến đấu các loại.
Được phát triển từ phiên bản F-15QA cho Không quân Qatar, tiêm kích F-15EX ứng dụng những công nghệ mới nhất áp dụng trên dòng tiêm kích thế hệ 5 như khoang vũ khí trong thân và lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar cho khả năng tàng hình.
Tính năng gây ấn tượng lớn nhất của tiêm kích F-15EX chính là khung thân được gia cố cho thời hạn sử dụng lên tới 12.000 giờ bay, mang được trên 10 tấn vũ khí với tối đa 24 quả tên lửa không đối không các loại (gấp đôi so với nhiều tiêm kích thế hệ 4++ cùng phân khúc).
Để so sánh, trong khi một chiếc tiêm kích F-35 mang 10 tấn vũ khí ở độ cao 15km và tầm hoạt động 1.000km với tốc độ tối đa Mach 1,6, thì tiêm kích F-15EX có thể mang 14 tấn vũ khí ở độ cao 18km và bay xa 1.800km với tốc độ tối đa Mach 2,5.
Ngoài ra, máy bay còn được lắp đặt hệ thống điện tử hàng không tối tân hơn mà trọng tâm xoay quanh radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-63 đời mới nhất, giúp theo dõi máy bay địch ở khoảng cách lên đến hơn 300km.
Hiện ngoài Mỹ, Đức và Israel cũng quan tâm đến tiêm kích F-15EX. Trong khi đó, hãng Boeing cũng đang có kế hoạch chào bán dòng máy bay chiến đấu này cho Ấn Độ.
PHẠM HUY (theo Defense World)