Tiêm kích F-16: Bài toán khó cho Ukraine
Các chuyên gia quân sự cho rằng trước khi tiến gần đến những cam kết về F-16 từ phương Tây, Ukraine cần phải giải quyết 3 thách thức lớn.
Một số đồng minh của Ukraine, bao gồm Mỹ và Anh, đã cam kết đào tạo các phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16. Nhà Trắng ngày 19-5 cũng cho biết Washington sẽ không ngăn cản việc các nước khác chuyển giao F-16 do Mỹ sản xuất đến Ukraine.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trước khi Ukraine tiến gần hơn đến những lời hứa về F-16, nước này vẫn còn 3 vấn đề chính cần khắc phục nếu muốn phương tiện này sẵn sàng giao chiến với không quân Nga.
Vấn đề thời gian
Đầu tiên, việc đào tạo cho nhân viên Ukraine sử dụng F-16 sẽ cần nhiều thời gian để đạt kết quả.
Ông Andrew Curtis - Thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh nói với tờ Newsweek: “Dù là những phi công có kinh nghiệm thì việc đào tạo sử dụng một máy bay mới cũng phải mất tới vài tháng chứ không phải vài tuần”.
Ông cũng lưu ý việc đào tạo các đội mặt đất cũng mất thời gian tương tự.
Vào cuối tháng 2, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc - ông Colin Kahl gợi ý rằng thời gian “nhanh nhất” để huấn luyện và chuyển giao F-16 cho Ukraine sẽ là khoảng 18 tháng.
Hiện chưa rõ liệu việc huấn luyện phi công Ukraine ở các nước đồng minh đã bắt đầu hay chưa. Ngày 23-5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách An ninh và Đối ngoại - ông Josep Borrell tiết lộ rằng các phi công Ukraine đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng F-16 ở “một số quốc gia”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ba Lan nói với Newsweek rằng “việc huấn luyện như vậy vẫn chưa bắt đầu” ở Ba Lan.
Phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat ngày 23-5 nói rằng “quá trình chuẩn bị cho khóa huấn luyện vẫn đang diễn ra” và hiện “không có phi công Ukraine ở các nước khác”.
Ngoài ra, giới quan sát cũng nhận định rằng ngay cả khi Kiev có thể rút ngắn thời gian đào tạo thì khả năng những chiếc F-16 đến Ukraine tham gia cuộc phản công mùa xuân là vô cùng thấp.
Các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi về chương trình đào tạo F-16 cho các phi công Ukraine.
Phó Thống chế không quân Hoàng gia Anh - ông Greg Bagwell đặt giả thiết rằng các phi công Ukraine có thể sẽ phải rời tiền tuyến để tham gia huấn luyện tiêm kích F-16, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, họ quay về Ukraine và lái máy bay phản lực thời Liên Xô của Kiev trong khi chờ đợi F-16.
“Rất nhiều thử thách, rất nhiều câu hỏi” - ông Bagwell nhận định.
Một vấn đề lớn khác mà F-16 đặt ra cho Ukraine đó là về hậu cần. F-16 là một máy bay chiến đấu hiện đại nên việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn so với đào tạo phi công.
Một báo cáo hồi tháng 3 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết việc đào tạo nhân viên bảo trì F-16 có thể mất vài tháng hoặc vài năm tùy thuộc vào mức độ thành thạo.
Theo báo cáo, ngay cả sau khi trải qua 133 ngày huấn luyện, một nhân viên bảo trì của Lực lượng Không quân Mỹ vẫn cần 1 năm kinh nghiệm thực tế để đủ tiêu chuẩn bảo trì tiêm kích này.
Báo cáo cũng lưu ý rằng những chiếc F-16 cần được bảo dưỡng thường xuyên, cụ thể là 16 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay.
Tìm nơi “ẩn nấp” và trang bị vũ khí cho F-16
Các tiêm kích F-16 cần đường băng dài, có chất lượng tốt và một căn cứ để tập trung hoạt động - khác với các sân bay phân tán và đường băng tạm thời của các máy bay thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng.
Các nhà phân tích John Hoehn và William Courtney từ viện nghiên cứu RAND Corporation nhận định: “Để tiếp nhận máy bay phương Tây, Ukraine có thể cần phải lát lại hoặc mở rộng một số đường băng. Nga sẽ phát hiện quá trình này”.
Theo các nhà phân tích, nếu Ukraine chỉ có một số sân bay nhất định cho F-16 thì những địa điểm này có thể trở thành “mục tiêu chính” cho các cuộc tấn công của Moscow.
Bên cạnh đó, Ukraine có thể sẽ cần rút các hệ thống phòng thủ tên lửa từ tiền tuyến để bảo vệ các căn cứ F-16, điều này gây thêm xáo trộn về vị trí đặt các hệ thống phòng không.
Giả sử Ukraine có thể vượt qua các rào cản hậu cần, đồng thời tìm được đường băng an toàn, nước này vẫn cần trang bị vũ khí phù hợp cho F-16 để chống lại các máy bay chiến đấu chủ chốt của Nga như Su-25 và MiG-31.
Báo cáo của CRS viết: “Những ưu thế trên không từ các máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây chỉ có thể đạt được nếu kết hợp với số lượng lớn vũ khí do phương Tây sản xuất”.
Cần lưu ý rằng vũ khí tiên tiến của phương Tây trang bị cho F-16 sẽ rất tốn kém. Chẳng hạn, giá một tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM) của Mỹ là khoảng 1,2 triệu USD và để chế tạo 1 tên lửa này cần thời gian 2 năm.
Theo CRS, Mỹ có thể cung cấp AMRAAM và các loại vũ khí khác từ kho dự trữ cho Kiev, nhưng với thời gian sản xuất lâu như thế, Washing có nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ của chính mình.
Rủi ro về chính trị
Việc phương Tây cân nhắc khía cạnh chính trị khi cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine là hiển nhiên. Đối với các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh khác của Kiev, F-16 trước đây là một lằn ranh đỏ và Nga đã coi việc tiêm kích này rơi vào tay Ukraine là một sự leo thang.
Hôm 20-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã cảnh báo khả năng Ukraine nhận F-16 sẽ mang đến “rủi ro to lớn” cho các nước phương Tây có liên quan.
Ngày 23-5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Ukraine có quyền tự vệ. Chúng tôi sẽ giúp Ukraine duy trì quyền này. Nhưng điều đó không khiến NATO và các đồng minh NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột”.
Theo ông Curtis, không thể bỏ qua khả năng gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây khi cân nhắc F-16.
“Các quốc gia như Ba Lan sẽ rất muốn cung cấp hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật, thậm chí là vận hành các máy bay F-16 của Ukraine từ các sân bay quân sự Ba Lan. Tuy nhiên, ý nghĩa địa chính trị của những quyết định như vậy sẽ rất đáng kể” - ông lưu ý.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tiem-kich-f-16-bai-toan-kho-cho-ukraine-post734850.html