Thông tin tích hợp bom dẫn đường AASM Hammer vào các tiêm kích F-16 sắp cấp cho Không quân Ukraine đã được ông Thomas Gasillud - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và Lực lượng Vũ trang Pháp thông báo.
Ông Hasillud cho biết trên kênh truyền hình LCI: “Công việc đang được tiến hành khẩn trương để điều chỉnh bom AASM Hammer cho tiêm kích F-16, loại bom này sẽ được cung cấp số lượng lớn cho Ukraine”.
Mặc dù vậy vị quan chức không tiết lộ những chi tiết khác. Giới phân tích cho rằng việc gắn các quả bom dẫn đường của Pháp lên chiến đấu cơ F-16 về mặt vật lý không phải là vấn đề, vì chúng sử dụng cùng loại giá đỡ cho bom Mark 82.
Các kỹ sư thực chất chỉ cần tích hợp vũ khí mới vào hệ thống điều khiển hỏa lực của tiêm kích F-16. Rõ ràng thao tác nói trên không thể thực hiện được nếu thiếu nhà sản xuất Lockheed Martin.
Cần lưu ý rằng công việc nói trên đã được thực hiện trong quá khứ và cho thấy hiệu quả cao. Cụ thể vào năm 2014, các bài kiểm tra dành cho bom AASM trên tiêm kích F-16 đã được tiến hành tại Mỹ.
Sau đó máy bay chiến đấu của phi đội thử nghiệm số 40 thuộc Không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Eglin đã sử dụng thành công loại vũ khí mới trên thao trường, đáng tiếc là công việc đã không được tiếp tục.
Còn về vũ khí, nhà sản xuất nói rõ, AASM là một bộ nâng cấp dành cho các loại bom rơi tự do không điều khiển hiện có như JDAM của Mỹ, vốn đã được hàng không chiến thuật Ukraine sử dụng thời gian qua.
Bộ sản phẩm nhằm "thông minh hóa" bom rơi tự do bao gồm hai phần: phần trước với hệ thống dẫn đường và cánh lái, đi kèm phần sau là bộ tăng tốc được thiết kế để nâng cao phạm vi bay.
Pháp đang sản xuất hai phiên bản bom hàng không ASSM để trang bị cho lực lượng vũ trang của mình đó là Hammer-250 hoán cải từ bom Mk 82 nặng 227 kg và Hammer-1000 nâng cấp từ bom Mk 84.
Phần mũi của bộ công cụ AASM có thể tích hợp 3 loại hệ thống dẫn đường: quán tính với hiệu chỉnh GPS, quán tính với hình ảnh nhiệt GAS, hoặc sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia laser.
Theo nhà phát triển, tổ hợp dẫn đường đầu tiên mang lại độ chính xác trong phạm vi 10 mét, trong khi hai loại tiếp theo hạ vòng tròn sai số xuống chỉ còn 1 mét và thậm chí tấn công được cả mục tiêu di động.
Công ty Safran còn đang nghiên cứu phát triển một hệ thống đẩy mới giúp tăng đáng kể tầm hoạt động của bom. Hiện tại cự ly tác chiến của Hammer là từ 50 đến 70 km, thông số này đạt được khi máy bay thả từ độ cao khoảng 15.000 mét.
Nhờ những phát triển mới, tầm xa của loại bom nói trên dự kiến sẽ tăng lên 150 - 200 km, nghĩa là nhiều gấp 2 đến 3 lần so với thông số hiện có và vượt trội mọi sản phẩm của những nhà sản xuất khác.
Những cải tiến này theo đánh giá sẽ làm cho bom ASSM Hammer trở thành một trong những loại vũ khí hàng không tiên tiến và hiệu quả nhất trên thị trường trang thiết bị quân sự hiện đại.
Vấn đề nữa cần nói tới là vào đầu tháng 4/2024, đã có hình ảnh cho thấy tiêm kích Su-27 của Ukraine được hiệu chỉnh để sử dụng loại bom này và mang tới hiệu quả đáng khích lệ.