Tiêm kích F-35 Ba Lan được kỳ vọng sẽ giúp lực lượng không quân NATO chiếm ưu thế áp đảo trước Nga, tuy nhiên toan tính của Warsaw cũng như Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể không trở thành hiện thực.
Ba Lan đã chi số tiền khổng lồ để mua máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Nhưng tất cả những cỗ máy này đều trở nên vô dụng ngay sau khi tổ hợp phòng không S-400 của Nga xuất hiện ở phía Tây Bắc Belarus. Ấn bản Trung Quốc NetEase nhận xét.
“Những chiếc F-35 mà Ba Lan mua của Mỹ đang gặp nguy hiểm. Giờ đây, các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf và máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM sẽ nằm cách chúng chỉ 200 km”, bài báo viết.
Theo ghi nhận của NetEase, các nhà chức trách Ba Lan đã mua 32 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm từ Mỹ, số phương tiện tác chiến trên đã tiêu tốn của Warsaw một số tiền lớn, và bây giờ chúng ta có thể nói rằng khoản ngân sách trên đã bị lãng phí.
Tờ báo Trung Quốc viết: "Do sự gia tăng hoạt động của những nhóm tác chiến NATO ở Đông Âu trong bối cảnh nổ ra cuộc khủng hoảng di cư, Nga và Belarus cũng quyết định tăng cường an ninh cho biên giới của họ".
"Hệ thống phòng không S-400 của Nga đã được triển khai ở phía Tây lãnh thổ Belarus, gần Grodno và Baranovichi. Loại vũ khí này sở hữu đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt đến mức trong trường hợp xảy ra xung đột, Ba Lan sẽ mất toàn bộ số F-35 của mình".
“Radar của tổ hợp S-400 có phạm vi phát hiện mục tiêu là 600 km và tầm bắn của tên lửa là 380 km. Vì vậy chúng sẽ bao phủ căn cứ không quân Lask ở miền Trung Ba Lan, nơi các máy bay F-35 sẽ được triển khai”, tờ báo Trung Quốc viết.
NetEase nhấn mạnh rằng S-400 khi triển khai từ Grodno, trong điều kiện lý tưởng thậm chí có thể bắn hạ tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Ba Lan ngay khi chúng cất cánh.
Đồng thời các nhà báo của ấn phẩm Trung Quốc lưu ý rằng sau khi Triumf được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu ở Syria, không ai nghi ngờ gì về khả năng tổ hợp này có thể phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm.
NetEase kết luận: “S-400 đã chứng minh rằng nó có thể phát hiện một cách đáng tin cậy bất kỳ máy bay chiến đấu hiện đại nào do Mỹ sản xuất, kể cả những loại áp dụng công nghệ tàng hình".
Nhưng phải lưu ý radar S-400 vẫn bị tiêm kích F-35I Adir của Israel qua mặt khi nó thực hiện đường lợi dụng địa hình địa vật và mang theo khí tài chế áp điện tử tinh vi, do vậy chưa thể khẳng định F-35A Lightning II của Ba Lan sẽ dễ dàng bị S-400 Nga đặt tại Belarus chế áp.
Một vấn đề nữa cần nhấn mạnh đó là bản thân người Nga cũng thừa nhận S-400 chỉ phát huy tác dụng tốt trong trường hợp máy bay đối phương hoạt động ở độ cao lớn, còn khi kẻ địch sử dụng chiến thuật bay thấp thì mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn.
Với giới hạn đường chân trời vô tuyến điện từ, radar cảnh giới cũng như kiểm soát hỏa lực của S-400 rất khó nhận biết mục tiêu bay thấp, mọi việc sẽ càng khó khăn hơn nếu đối diện chiếc F-35 có khả năng tán xạ sóng radar rất tốt.
Có thể S-400 vẫn sẽ phát hiện được F-35 nhưng cự ly là bao nhiêu thì chưa có thống kê chính thức nào, tuy nhiên chắc chắn con số này không thể ở mức lý tưởng lên đến 600 km như Nga công bố.
Theo Việt Dũng/ANTĐ