Tiêm kích huyền thoại MiG-25 do Liên Xô chế tạo là một trong những chiến đấu cơ nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, đặc trưng bởi tốc độ cực nhanh và chi phí vận hành cao đến mức khủng khiếp.
Không quân Algeria chính là lực lượng cuối cùng vận hành chiếc máy bay chiến đấu đặc biệt này, trong khi Nga và nhiều nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô đã loại biên nó từ lâu. Khối quân sự NATO gán mã hiệu cho tiêm kích MiG-25 nổi tiếng là Foxbat.
Theo một số thống kê, cho đến trước khi tiến hành loại biên, Không quân Algeria có trong biên chế tổng cộng 11 chiếc MiG-25PDS - phiên bản tiêm kích đánh chặn và 3 chiếc thuộc biến thể trinh sát MiG-25RBV.
Đầu tháng 7/2022, phi đội gồm 3 chiếc máy bay chiến đấu MiG-25 đã tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm độc lập của quốc gia Bắc Phi này. Đây cũng được xem như lời chào từ biệt bầu trời của dòng tiêm kích nói trên.
Tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-25 đã phục vụ Không quân Algeria trong hơn bốn thập kỷ và suốt một thời gian dài là những mẫu máy bay chiến đấu mạnh nhất và nhanh nhất được đưa vào hoạt động tại đất nước Bắc Phi này.
Tiêm kích MiG-25 được trang bị đài radar dẫn bắn Sapphire-25 có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 100 km, đồng thời tự động theo dõi 6 đối tượng từ cự ky 75 km. Foxbat còn có thiết bị ngắm bắn quang học để tránh việc bộc lộ bản thân.
Tên lửa không đối không siêu thanh R-40RD và R-40TD được sử dụng làm vũ khí chính của MiG-25. Loại thứ nhất sử dụng đầu dò radar bán chủ động, trong khi loại thứ hai mang đầu dò hồng ngoại. Sau đó, tên lửa R-60 và R-60M cỡ nhỏ đã được bổ sung.
MiG-25 có tốc độ bay tối đa đạt 3.000 km/h, trần bay thực tế lên tới 20.700 m. Trọng lượng cất cánh thông thường 36.720 kg. Phiên bản trinh sát trang bị máy ảnh, ngoài ra biến thể tiêm kích còn mang được 4 tấn bom để tấn công theo tọa độ nhất định.
Nhược điểm lớn nhất của MiG-25 đã được Algeria chỉ ra đó là chi phí bảo dưỡng liên tục tăng từ năm này qua năm khác do các công nghệ cũ gây khó khăn cho việc đảm bảo kỹ thuật. Ngoài ra Foxbat là phi cơ hạng nặng gây tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu.
Vào cuối năm 2020, Không quân Algeria đã công bố kế hoạch mua tổng cộng 14 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 Felon để thay thế phi đội MiG-25 dự kiến sẽ sớm "nhận sổ hưu".
Theo nhận xét của tờ báo Mỹ Military Watch, việc thay thế MiG-25 bằng Su-57 sẽ mang lại lợi ích không chỉ về mặt quân sự mà còn về kinh tế, bất chấp giá thành cao của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 do Nga sản xuất.
"Sự khác biệt về chi phí vận hành giữa máy bay chiến đấu mới của Nga và tiêm kích đánh chặn lạc hậu từ thời Liên Xô là đáng kể và cuối cùng có thể bù đắp phần lớn chi phí mua sắm ban đầu", tạp chí Military Watch nhận xét.
"Su-57 hoặc một trong những người kế nhiệm tiên tiến hơn của nó (được gọi là Su-60) hay thứ gì đó tương tự, cuối cùng sẽ tiếp tục bảo vệ bầu trời quốc gia Bắc Phi này trong nhiều nhăm tới thay cho MiG-25", tờ báo Mỹ kết luận.
Mặc dù vậy, hiện tại Nga đang bị áp đặt những lệnh cấm vận nặng nề, trong đó đáng kể nhất là bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, điều này rõ ràng ảnh hưởng lớn đến việc Algeria mua Su-57, nếu vậy khoảng trống do MiG-25 để lại sẽ chưa thể lấp đầy.
Bạch Dương