Việc công ty Thụy Điển Saab mang tiêm kích JAS-39 Gripen-E tới tham dự gói thầu MMRCA tại Ấn Độ khiến hai chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F-21 do Mỹ sản xuất có thêm đối thủ rất nặng ký.
Gói thầu MMRCA là một dự án mua sắm vũ khí phức tạp của Ấn Độ đã kéo dài hơn một thập kỷ, mục đích của New Delhi là trang bị 114 máy bay chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến với cấu hình 1 động cơ, đi kèm nhận công nghệ chế tạo tại chỗ.
Ban đầu chiếc Rafale của Pháp được tuyên bố thắng thầu, tuy nhiên nhiều bê bối nổ ra khiến chương trình phải khởi động lại từ đầu, hai ứng viên sáng giá nhất chính là Rafale cùng với F-21, nhưng giờ đây đã có thêm đối thủ mới gia nhập cuộc đua.
Theo giới phân tích tiêm kích Gripen-E là chiếc máy bay chiến đấu mang trong mình nhiều công nghệ đỉnh cao, sẽ cung cấp cho Không quân Ấn Độ (IAF) một lợi thế đáng kể so với các đối thủ.
Lợi thế này càng được mài giũa nhờ kho vũ khí đáng gờm mà chiến đấu cơ Thụy Điển có thể sử dụng, nổi bật là tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn Meteor, hay tên lửa cận chiến IRIS-T.
Các cảm biến tiên tiến của máy bay, bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cũng như hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) đều có chất lượng rất cao trong phân khúc.
Bên cạnh đó, cùng với kênh liên kết dữ liệu tiên tiến và hỗ trợ quyết định dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại cho phi công điều khiển khả năng nhận thức tình huống chưa từng có.
Kiến thức vượt trội về chiến trường thu được từ hệ thống hỗ trợ chiến đấu của Gripen-E cho phép phi công vừa nhận thức vừa phản ứng trước các mối đe dọa một cách rất nhanh chóng, thể hiện rõ năng lực "thấy trước - bắn trước".
Gripen-E có khả năng mang tải đáng kinh ngạc lên tới 9 tên lửa hoặc 16 quả bom cho dù kích thước rất nhỏ bé. Điều này được bổ sung bởi thiết kế có khả năng thích ứng cao của máy bay, tạo điều kiện cho việc kết hợp liền mạch các hệ thống và vũ khí mới.
Đặc tính linh hoạt như vậy mở rộng cho tất cả các loại nhiệm vụ, từ triển khai tên lửa không đối không đến trinh sát và mang phóng vũ khí không đối đất hạng nặng.
Nhưng bất chấp sức hấp dẫn của Gripen-E nhờ khả năng tác chiến điện tử vượt trội, tích hợp tên lửa mạnh mẽ, diện tích phản xạ radar ở mức tối thiểu và chi phí vận hành kinh tế... chiếc máy bay chiến đấu này dường như vẫn bị thua thiệt so với các đối thủ.
Những yếu tố chủ đạo mà tiêm kích JAS-39 Gripen-E gặp bất lợi là ảnh hưởng chính trị và hỗ trợ tài chính ở mức thấp, cả hai đều là những yếu tố quan trọng trong lĩnh vực mua sắm quốc phòng.
Mặc dù vậy, trái ngược với giả định phổ biến rằng Rafale sẽ giành chiến thắng, những người trong cuộc nắm rõ quá trình này vẫn bày tỏ sự hoài nghi.
“Một số máy bay khác đã được nâng cấp đáng kể, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của IAF. Đáng chú ý, đại diện điển hình bao gồm Gripen-E, cũng như và F-21”, một quan chức Không quân Ấn Độ giấu tên đưa ra quan điểm.