Thông tin trên xác thực những nghi ngờ từ truyền thông phương Tây về việc Nga đã thực hiện một số cải tiến đáng kể đối với tên lửa siêu thanh Kinzhal, đó là có thể điều chỉnh mục tiêu khi đang bay, thay vì chỉ lập trình được từ dưới mặt đất.
Nguồn tin của tờ Izvestia nhấn mạnh rằng giao thức chuyển hướng giữa chuyến bay nói trên thực sự đã được thử nghiệm trong hoạt động chiến đấu, liên quan đến các tiêm kích MiG-31K mang tên lửa Kinzhal.
“Phi hành đoàn tiêm kích MiG-31K bao gồm phi công và người điều khiển vũ khí. Trong khi phi công chịu trách nhiệm quản lý máy bay, hoa tiêu sẽ theo dõi trạng thái tên lửa, bao gồm thông tin đầu vào về tọa độ mục tiêu và lựa chọn thông số chuyến bay".
"Bằng cách sử dụng liên lạc vô tuyến hoặc hệ thống điều khiển tự động, người điều khiển có thể nhận được tọa độ mục tiêu ở xa từ mặt đất”, nguồn tin của ấn phẩm Izvestia cho biết thêm.
Việc bổ sung năng lực cho tên lửa Kinzhal đóng một vai trò then chốt trong việc nâng cao sức mạnh cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS), điều này được nhấn mạnh trong tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin hôm 18/10/2023.
Ông Putin tuyên bố VKS bắt đầu hoạt động giám sát hàng không liên tục trên Biển Đen, máy bay chiến đấu MiG-31 được sử dụng trong nhiệm vụ này sẽ trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Trái ngược với những lo ngại, ông Putin trấn an rằng biện pháp này không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai và nhấn mạnh, mục tiêu chính của bước đi trên là duy trì nhận thức về tình hình và duy trì các nỗ lực giám sát.
Ưu điểm từ việc tiêm kích MiG-31 có thể thay đổi mục tiêu của tên lửa Kinzhal sau khi phóng chính là cho phép điều chỉnh mục tiêu theo thời gian thực và tăng độ chính xác.
Khi việc nhắm mục tiêu được thực hiện từ mặt đất, sẽ có sự chậm trễ trong liên lạc giữa bộ điều khiển mặt đất và tên lửa, điều này có thể dẫn đến thông tin mục tiêu bị lỗi thời.
Một ưu điểm khác là yếu tố bất ngờ. Bằng cách thay đổi mục tiêu của tên lửa Kinzhal sau khi nó đã phóng, MiG-31 sẽ khiến đối phương khó dự đoán quỹ đạo bay của tên lửa hơn.
Hơn nữa, việc thay đổi mục tiêu của tên lửa Kinzhal cho phép phối hợp tốt hơn giữa máy bay và tên lửa. MiG-31 có hệ thống radar và nhắm mục tiêu tiên tiến, có thể cung cấp dữ liệu thời gian thực về vị trí và chuyển động của mục tiêu.
Cuối cùng, mức độ linh hoạt trong vận hành sẽ cao hơn. Trong các tình huống chiến đấu năng động, bộ điều khiển mặt đất nhiều khả năng không có thông tin cập nhật về vị trí mục tiêu, hoặc có thể không liên lạc được với tên lửa do bị gây nhiễu hoặc chế áp điện tử.
Quá trình xác định lại mục tiêu cho tên lửa đạn đạo hàng không bao gồm một loạt quy trình và công nghệ phức tạp, nó đòi hỏi một hệ thống dẫn đường phức tạp, có thể nhận thông tin mục tiêu cập nhật từ bệ phóng trên không.
Thông tin này sau đó được sử dụng để tính toán những điều chỉnh cần thiết đối với quỹ đạo của tên lửa, đảm bảo rằng nó tiếp cận mục tiêu mới một cách chính xác.
Ngoài ra quá trình nhắm lại mục tiêu có thể liên quan đến việc liên lạc giữa bệ phóng và các hệ thống chỉ huy và kiểm soát khác, cho phép phối hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có.
Thực chất việc xác định lại mục tiêu cho tên lửa sau khi phóng không phải công nghệ mới, Mỹ và phương Tây đã thực hiện điều này từ lâu trên nhiều loại tên lửa tầm xa của mình, và tới bây giờ kỹ thuật trên mới được thực hiện trên tên lửa Nga.
Theo An ninh Thủ đô