Dassault Aviation đã thông báo điều này trên trang web của mình: "Thay mặt Dassault Aviation và 400 công ty tham gia chương trình Rafale, tôi xin cảm ơn Bộ Lực lượng Vũ trang, DGA và AAE vì sự tin tưởng của họ".
"Chúng tôi sẵn sàng và quyết tâm sử dụng các kỹ năng của mình với tư cách là tổng thầu và nhà tích hợp hệ thống phức hợp vì lợi ích chủ quyền của đất nước".
"Chủ quyền công nghiệp quân sự như vậy là một ngoại lệ ở châu Âu, nó đảm bảo tính ưu việt của máy bay chiến đấu do chúng ta sản xuất".
"Tiêm kích Rafale cũng là tài sản có ảnh hưởng ngoại giao và là động lực kinh tế trong thương mại quốc tế”, ông Eric Trappier - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dassault Aviation cho biết.
Những đơn đặt hàng đang có hiệu lực và hợp đồng từ Cơ quan Mua sắm Quốc phòng được cho là sẽ duy trì hoạt động sản xuất trong 10 năm tới.
Các chi tiết của thỏa thuận, những điều khoản thực hiện và chi phí của máy bay chiến đấu không được công ty báo cáo chi tiết.
Bên cạnh đó, mới đây Indonesia đã đồng ý mua lô thứ ba gồm 18 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Việc phê duyệt lô hàng này là giai đoạn cuối cùng của hợp đồng Pháp - Indonesia liên quan tới 42 chiếc Rafale.
Ngày 10/2/2022, Indonesia đã ký hợp đồng với Pháp mua 42 tiêm kích đa năng Rafale. Tổng cộng, nước này sẽ nhận được 30 máy bay thuộc biến thể C F.4 và 12 chiếc thuộc phiên bản B.
Rafale của Pháp gần đây đã trở thành một trong những máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài ra Công ty Hàng không Dassault đang rất nổi tiếng với việc thực hiện nhanh chóng các hợp đồng cung cấp.
Vào tháng 12/2023, báo chí châu Âu đưa tin, Croatia đã nhận được chiếc máy bay chiến đấu Rafale thứ tư do Pháp sản xuất.
Nước này đã đặt mua tổng cộng 12 máy bay Rafale, trong đó có 10 chiếc thuộc biến thể 1 chỗ C và 2 chiếc thuộc biến thể 2 chỗ ngồi B. Các tiêm kích đã qua sử dụng trong biến thể F3-R đều đến từ Không quân Pháp.
Hợp đồng được ký vào năm 2021 và chiếc máy bay đầu tiên chính thức bàn giao cho Croatia vào đầu tháng 10 năm 2023.
Cũng có thông tin cho rằng Uzbekistan đang quan tâm đến việc mua Rafale để bổ sung và thay thế phi đội MiG-29 và Su-27 chế tạo từ thời Liên Xô.
Tính đến hôm nay, các máy bay chiến đấu Rafale đang được vận hành bởi 7 quốc gia: Pháp, Ấn Độ, Qatar, Hy Lạp, Croatia, Indonesia và Ai Cập.
Bạch Dương