Tiêm kích Su-30 sẽ là sát thủ săn hạm hàng đầu thế giới với tên lửa Kh-32 mới

Nga được cho là đang có kế hoạch trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa mới Kh-32, được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về khả năng của dòng máy bay này và mở rộng đáng kể khả năng của Không quân Nga trong việc chống lại tàu chiến của đối phương ở những phạm vi cực lớn.

Tiêm kích Su-30 và tên lửa Kh-32

Tiêm kích Su-30 và tên lửa Kh-32

Su-30 hiện nay đang được sản xuất ở Nga với số lượng lớn hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào khác, và cùng Su-35 và Su-57 mới và đắt tiền hơn, các biến thể cải tiến của Su-30 được kỳ vọng sẽ tạo thành xương sống của không quân Nga trong nhiều năm tới, theo Military Watch.

Su-30 ít chuyên dụng hơn trong vai trò không đối không so với các lớp máy bay chiến đấu mới hơn, và cấu hình ghế đôi cho phép nó mang theo một sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí, vận hành các loại vũ khí không đối đất. Biến thể mới nhất, Su-30SM, được coi là một trong những máy bay chiến đấu hạng nặng có năng lực nhất trên thế giới và được thiết lập để kết hợp một số cải tiến bao gồm động cơ mới mạnh hơn và bộ cảm biến cập nhật.

Mặc dù dòng máy bay chiến đấu này đã được xuất khẩu rộng rãi, nhưng khả năng mới của tên lửa Kh-32 sẽ mở ra cho Su-30 triển vọng mới, có thể làm tăng mạnh sức hấp dẫn của nó trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các quốc gia có lợi ích hàng hải quan trọng như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, Military Watch nhậnd định.

Được đưa vào trang bị từ năm 2016, tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-32 có thể tiếp cận tốc độ siêu vượt âm và tác động đến mục tiêu ở tốc độ Mach 4,6, thậm chí một số báo cáo nói nó có thể vượt tốc độ Mach 5.

Tuy nhiên, những đặc điểm đáng chú ý nhất của nó là hiệu suất bay, khả năng cơ động và tầm hoạt động ấn tượng 1.000km. Kh-32 được thiết kế đặc biệt để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và có thể bay ở độ cao 40km, trên tầm với của tên lửa đất đối không SM-2 của các nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ.

Tên lửa Kh-32 đi theo một quỹ đạo khiến nó đặc biệt khó đánh chặn, và trong giai đoạn cuối, nó lao dốc, tấn công mục tiêu từ phía trên với tốc độ cực cao khiến radar đối phương rất khó phát hiện. Việc đưa Kh-32 vào sử dụng là một phần của xu hướng đầu tư rộng rãi hơn vào các hệ thống vũ khí chống hạm rất tiên tiến - các vũ khí nổi bật khác bao gồm tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 với tầm bắn 2000km được triển khai bởi máy bay ném bom Tu-22M và tiêm kích MiG-31K Foxhound, tên lửa hành trình Zicron tốc độ Mach 9 được triển khai bởi các tàu ngầm và tàu chiến mặt nước của Nga.

Kh-32 được thiết kế để trang bị cho cả máy bay ném bom chiến thuật Tu-22M3M, lớn hơn và nặng hơn đáng kể so với Su-30, và kích thước lớn của tên lửa có nghĩa là mỗi máy bay chiến đấu chỉ có thể mang theo một hoặc hai quả.

Tên lửa này được trang bị các giải pháp đối phó tác chiến điện tử tiên tiến, và việc tích hợp nó vào Su-30 sẽ làm tăng đáng kể tính linh hoạt của loại tiêm kích này. Nga sở hữu một phi đội khoảng 70 máy bay ném bom Tu-22M, với số lượng ngày càng tăng khi các máy bay trong kho được tân trang và nâng cấp lên tiêu chuẩn M3M, có nghĩa là việc trang bị tên lửa mới cho phần lớn phi đội Su-30 của họ vẫn là câu hỏi mở.

Có thể việc tích hợp này chủ yếu nhằm mục đích đa dạng hóa nền tảng phóng và tạo cơ hội tiếp thị xuất khẩu cho Kh-32 vì không quốc gia nào ngoài Nga vận hành máy bay ném bom Tu-22M. Dù là gì đi nữa, tác động của việc tích hợp sẽ là một cuộc cách mạng về khả năng chống hạm của Su-30 với Kh-32 có hiệu suất vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ loại tên lửa nào hiện được trang bị trên các tiêm kích Su-30, không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới.

Theo Anh Minh/Tiền phong

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tiem-kich-su-30-se-la-sat-thu-san-ham-hang-dau-the-gioi-voi-ten-lua-kh-32-moi/20200831085508875