Indonesia chính thức từ bỏ chiến đấu cơ Su-35 Nga để mua tiêm kích đa năng Rafale của Pháp. Đây là thương vụ buồn cho dòng chiến đấu cơ cực mạnh của Nga.
"Chúng tôi đã đồng ý mua 42 tiêm kích Rafale. Hợp đồng hôm nay gồm 6 tiêm kích đầu tiên, sau đó sẽ là 36 chiếc còn lại", Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 10/2 cho biết.
Các tiêm kích Rafale mua từ Pháp sẽ giúp không quân Indonesia hiện đại hóa phi đội chiến đấu cơ đã cũ, gồm 33 tiêm kích F-16 của Mỹ cùng 5 tiêm kích Su-27 và 11 chiếc Su-30 của Nga.
Indonesia hồi tháng 12/2021 thông báo từ bỏ thương vụ tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD với Nga mà không công bố nguyên nhân. Giới chức Mỹ trước đó nhiều lần cảnh báo Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.
Thương vụ mua 42 tiêm kích báo hiệu quan hệ Pháp và Indonesia nồng ấm hơn, trong bối cảnh Paris xem xét lại liên minh và đối tác trong khu vực sau khi mất thỏa thuận tàu ngầm trị hàng chục tỷ USD do thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh với Australia.
Với giá dao động khoảng từ 220 - 260 triệu USD/chiếc tùy theo số lượng đặt mua, Rafale thuộc vào dòng tiêm kích thế hệ thứ 4++ đắt nhất thế giới hiện nay, thậm chí đắt hơn gấp 2 lần chiến đấu cơ Su-35 và cả tiêm kích tàng hình F-35. Vì đâu chiến đấu cơ này đắt đến vậy?
Chương trình chiến đấu cơ Rafale được bắt đầu vào năm 1981, chuyến bay đầu cất cánh vào năm 1986 và máy bay chính thức đi vào trang bị cho không quân Pháp năm 2000. Tuy nhiên mãi tới năm 2007 Rafale mới đạt được tình trạng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ nhất.
Công bằng mà nói, Rafale đang là một trong những dòng tiêm kích thế hệ 4++ mạnh nhất của phương Tây. Năng lực tác chiến của Rafale được đánh giá là tương đương, thậm chí nhỉnh hơn cả Su-35 ở tải trọng vũ khí và thiết bị điện tử.
Dassault Rafale là một máy bay chiến đấu đa nhiệm, hai động cơ rất linh hoạt và hiệu quả. Máy bay có chiều dài 15,27 m, sải cánh 10,8 m, cao 5,34 m, có thể đạt tốc độ bay 2.250 km/h, tầm hoạt động 1.800 km, trần bay 18.000 m (vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30, Su-35 của Nga và F-35 của Mỹ).
Rafale được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái hiện đại với các màn hình LCD khổ lớn cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí, nhiên liệu và môi trường xung quanh máy bay.
Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA.
SPECTRA là hệ thống bảo vệ và tránh hỏa lực đối phương dành cho chiến đấu cơ Rafale được phát triển bởi hãng Thales Group và MBDA.
Đây là hệ thống nền tảng cho khả năng sống sót nổi bật của chiến đấu Rafale, chống lại các mối đe dọa từ trên không và mặt đất.
SPECTRA là sự tích hợp của nhiều thành phần bao gồm các hệ thống như: radar mảng pha chủ động tìm kiếm và chỉ thi mục tiêu, cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đang đến gần, radar gây nhiễu và bộ phóng mồi bẫy..., từ đó cung cấp khả năng phát hiện tầm xa, xác định chính xác nguồn phát hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương.
Các thành phần của SPECTRA được bố trí rải rác khắp máy bay. Đây là ảnh hệ thống cảnh báo tên lửa (MAWS) ở 2 cửa hút khí (trái).
Hệ thống cảnh báo tên lửa này còn được bố trí ở trên cánh đuôi đứng. Với hệ thống này mọi tên lửa đang lao đến chiến đấu cơ đều được báo cho phi công.
Trong khi đó hệ thống gây nhiễu tín hiệu radar và tín hiệu hồng ngoại lại đặt ở gốc 2 cánh mũi của máy bay. Hệ thống này dùng để theo dõi và xác định chủng loại các tên lửa đang tấn công chiến đấu cơ, từ đó đưa ra biện pháp đối phó.
Hệ thống bắn bẫy mồi hồng ngoại và thả kim loại gây nhiễu được bố trí nằm ở gốc 2 cánh sau và thân sau máy bay.
Cận cảnh hệ thống thả kim loại gây nhiễu. Việc thả nhiều mảnh kim loại nhỏ sẽ khiến cho radar trên tên lửa và chiến đấu cơ đối phương bị nhiễu loạn.
Trong khi đó hệ thống mỗi bẫy hồng ngoại có thể phóng ra những quả pháo sáng có sức nóng tới hàng ngàn độ C để đánh lừa tên lửa tầm nhiệt.
Hệ thống cảnh báo laser (LWS) (khoanh tròn đỏ) lắp ở 2 bên sườn, ngay dưới buồng lái máy bay và trên cánh đuôi đứng
Còn hệ thống gây nhiễu năng lượng cao lắp ở gốc cánh đuôi đứng phía sau của chiến đấu cơ Rafale.
Hệ thống SPECTRA còn bao gồm hai bộ cảm biến hồng ngoại cảnh báo tên lửa thế hệ mới (DDM NG) được phát triển bởi MBDA.
DDM NG là sự kết hợp một máy dò hồng ngoại mảng mới, trong đó tăng cường phạm vi phát hiện tên lửa.
Với hai cảm biến ống kính mắt cá, DDM NG cung cấp một trường phát hiện hình cầu xung quanh máy bay.
Rafale là một trong số ít chiến đấu cơ được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động RBE2 AA do Thales phát triển.
Đây là loại radar tiên tiến có tầm quét trên 250km. Chúng có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu trong khi dẫn đường cho vũ khí hủy diệt 4 mục tiêu cùng lúc.
Rafale cũng là một trong số ít chiến đấu cơ phương Tây được trang bị hệ thống OSF (Optronique Secteur Frontal), đây là hệ thống quang điện tử tầm xa giúp phát hiện máy bay đối phương.
Hệ thống OSF cấu thành bởi một thiết bị tìm kiếm hồng ngoại (khối tròn bên trái) và một cảm biến TV/IR để xác định mục tiêu (khối vuông bên phải).
Thiết bị tìm kiếm hồng ngoại có thể xác định mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 100 km. Trong khi cảm biến TV/IR có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 40 km bằng tia laser.
Hệ thống OSF cung cấp những lợi ích cho chiến đấu cơ trong không chiến như: Tầm phát hiện thụ động xa và xác định được mục tiêu trước khi tham chiến.
Rafale được trang bị 2 động cơ phản lực Smecma M88, lực đẩy thô 50 kN/chiếc, 70 kN có đốt sau.
Động cơ sử dụng hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số giúp tăng lực đẩy, tiết kiệm nhiên liệu và giảm bức xạ hồng ngoại. Giới phân tích cho rằng tuổi thọ khung thân lẫn động cơ của Rafale hơn hẳn đối thủ cùng loại.
Tốc độ tối đa của máy bay Rafale là 1.912 km/h ở cao độ lớn, 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.
Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 điểm treo với phiên bản hải quân. Tổng tải trọng vũ khí mang theo lên đến 9,5 tấn, cao hơn mức 8 tấn trên Su-30/35/57. Rafale thường mang theo vũ khí hỗn hợp, cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ.
Gồm tên lửa không đối không (AIM-9, AIM-132, AIM-120, Magic II, MBDA Meteor), không đối đất (MBDA Apache, SCALP EG, AASM, AM 39 Exocet), chống radar, không đối hạm, bom có điều khiển…
Một trong những loại vũ khí mạnh nhất là của tiêm kích Rafale là tên lửa hành trình không đối đất Scalp với tầm bắn 300 km, tên lửa không đối không Meteor tầm tấn công 120-150 km và đạn dẫn đường chính xác không đối đất Hammer tầm tấn công 20-70 km.
Rafale có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, đánh chặn tầm xa, yểm trợ mặt đất, tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương, tiêu diệt tàu sân bay và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Trong diễn tập thậm chí Rafale còn có lần thắng cả tiêm kích tàng hình F-35, trong khi số lần thắng của F-15 và EF-2000 Typhoon trước F-35 là bằng không.
Việc mang trong mình quá nhiều công nghệ điện tử tân tiến trong khi số lượng sản xuất lại không đủ lớn, chính vì thế Rafale mang một cái giá quá đắt. Mới đây Thụy Sĩ đã từ bỏ loại chiến đấu cơ này để mua F-35 của Mỹ.
Hiện Rafale đã được sản xuất với số lượng khoảng dưới 200 chiếc và đang phục trong quân đội Pháp, Ấn Đội, Ai Cập và Qatar.
Việt Hùng