Ấn phẩm Sina của Trung Quốc cho biết, tên lửa R-37M đã chính thức trở thành vũ khí tiêu chuẩn của tiêm kích Su-35 Nga, giúp chiếc chiến đấu cơ này có khả năng ra đòn từ khoảng cách 300 km.
Nhờ vũ khí không chiến tầm xa nói trên, các tiêm kích Nga giờ đây đã có ưu thế rõ rệt trong tình huống phải đối đầu chiến đấu cơ Mỹ hoặc một quốc gia NATO nào đó.
“Hiện tại, tên lửa không đối không có hiệu suất hoạt động mạnh nhất và tầm bắn xa nhất của Mỹ là AIM-120C. Tuy nhiên phạm vi hoạt động của nó chỉ là 100 km, vì vậy Mỹ rõ ràng đứng sau Nga trong lĩnh vực này”, ấn phẩm Sina cho biết.
Ngoài đáp ứng yêu cầu bản thân, không loại trừ khả năng một phiên bản thương mại của tên lửa R-37M sẽ được Nga cho ra mắt sau đây ít lâu nhằm cung cấp cho những khách hàng mua vũ khí của mình.
Tên lửa R-37M là biến thể cải tiến từ loại R-37 ra đời từ thập niên 1980. Do kích thước rất "khủng" nặng tới 6 tấn và dài 4 mét mà chỉ có tiêm kích MiG-31 là đủ khả năng mang vác nó.
Phiên bản R-37M bắt đầu được nghiên cứu từ giữa những năm 2000, so với đàn anh thì kích thước của nó nhỏ hơn rất nhiều với trọng lượng chỉ 500 kg nhưng vẫn duy trì tầm bắn 300 km.
Nhờ sự cải tiến đáng giá trên mà vũ khí này giờ đây đã có thể tích hợp cho mọi loại máy bay chiến đấu của Không quân Nga, từ Su-27, Su-30, Su-35 cho tới MiG-29 và MiG-35.
Cơ chế dẫn đường và vận động của R-37M cũng tương đối giống các loại tên lửa không đối không khác, khi mới phóng đi thì nó sẽ bay theo chế độ quán tính.
Bước tiếp theo là tên lửa sẽ liên tục cập nhật tham số về vị trí của mục tiêu do radar điều khiển từ máy bay mẹ truyền tới nó, lúc này tên lửa đã vẫn có thể thay đổi đối tượng tấn công.
Khi tiến sát mục tiêu, R-37M sẽ bật radar chủ động gắn trên tên lửa, động cơ phản lực được bổ sung lực để đẩy vận tốc lên tới Mach 6 (tức là trên 7.000 km/h).
Vận tốc cực nhanh như vậy của tên lửa R-37M sẽ khiến máy bay đối phương gần như không có cơ hội lẩn tránh, nhất là những phi cơ ném bom hay AWACS có kích thước to lớn và nặng nề.
Các chuyên gia quân sự Nga khẳng định, với hệ thống vũ khí hiện đại trong đó có tên lửa R-37M, các máy bay chiến đấu của họ, đặc biệt là Su-35 hay át chủ bài Su-57, sẽ ngày càng bất khả chiến bại.
Nhưng cũng có luồng ý kiến khác cho rằng R-37M cũng có khả năng thao diễn thấp tương tự như R-37, tức là nó khó mà bắn trúng được máy bay tiêm kích đối phương mà chỉ dùng để chống AWACS.
Hơn nữa để bắn được mục tiêu từ cự ly xa đến vậy thì radar máy bay chiến đấu Nga phải nhìn rõ mục tiêu để dẫn bắn cho tên lửa trong giai đoạn 2.
Trong trường hợp gặp phải các tiêm kích tàng hình F-22 hay F-35 thì ưu thế về tầm bắn của tên lửa R-37M sẽ không còn nữa do radar của chiến đấu cơ Nga khó mà nhận biết mục tiêu ở ngoài 100 km.
Nhưng dù sao đi nữa thì việc Nga đưa tên lửa R-37M vào thành phần trực chiến sẽ vẫn khiến Mỹ và đồng minh phải đau đầu tìm cách bảo vệ cho các máy bay ném bom hay trinh sát của mình.
Bạch Dương