Vụ tập kích hôm 30-10 vào trong lãnh thổ Syria vẫn được các tiêm kích Israel thực hiện một cách vô cùng gọn gàng, họ đánh phá thành công rồi rút lui an toàn như ở chỗ không người.
Điều này đã làm xuất hiện một số băn khoăn về loại phương tiện đã được Không quân Israel huy động cho vụ tập kích kiểu "phẫu thuật" hôm 30-10 vừa qua.
Đầu tiên trang Jpost cho biết, Không quân Israel đã dùng tiêm kích F-15I Ra'am tấn công hạn chế vào một số mục tiêu tại Syria với mục đích để thử phản ứng của lực lượng phòng không nước này.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng loại chiến đấu cơ được sử dụng chẳng phải F-15I Ra'am mà lại là F-16I Sufa, vì nó thích hợp hơn khi bay luồn lách qua các dạng địa hình hẹp ở tốc độ thấp.
Tuy nhiên trong vụ tập kích vừa rồi của Không quân Israel có một tình tiết gây thắc mắc đó là sự im hơi lặng tiếng của toàn bộ các tổ hợp tên lửa phòng không của cả Nga lẫn Syria.
Nếu như S-400 của Nga tránh giao chiến, S-300PM trong tay Quân đội Syria còn đang trong giai đoạn huấn luyện, nhưng vẫn còn đó nhiều tổ hợp phòng không tối tân khác.
Bầu trời Syria được canh gác bởi vô số hệ thống radar cảnh báo sớm tối tân của các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E, S-200 Angara và Pechora-2M, nhưng tất cả đều đồng loạt "tắt điện".
Trước thực tế trên, tờ AMN đã quả quyết rằng chính tiêm kích tàng hình F-35I Adir chứ không phải chiến đấu cơ nào khác mới có khả năng thực hiện đòn đánh táo bạo như vậy.
So với F-15I Ram'am hay F-16I Sufa thì F-35I Adir có diện tích phản xạ radar cực nhỏ, khiến nó có thể qua mặt dễ dàng các tổ hợp tên lửa phòng không của Syria.
Bên cạnh đó, F-35I Adir còn được tích hợp hệ thống thiết bị điện tử hàng không cực kỳ tinh vi với những cảm biến siêu nhạy cho phép lường trước tình huống từ xa.
Những khí tài trên cho phép chiếc F-35I Adir thực hiện được đường bay bám theo các sườn núi ở độ cao cực thấp để lặng lẽ xâm nhập khu vực cần oanh tạc.
Sự kết hợp giữa năng lực tán xạ sóng radar siêu việt cùng với chiến thuật cực kỳ hợp lý đã giúp cho tiêm kích F-35I Adir hoàn toàn vô hình trước lưới lửa phòng không Syria.
Sau khi nhận định của tờ AMN được đưa ra thì nó đã thu về sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia quân sự cũng như các nhà phân tích tình hình chính trị khu vực Trung Đông.
Dự kiến trong thời gian tới, Không quân Israel sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự của mình bên trong lãnh thổ Syria để ngăn chặn việc Iran tuồn vũ khí cho các lực lượng vũ trang thù địch với họ.
Chính vì vậy mà viễn cảnh những trận đối đầu khốc liệt hơn giữa tiêm kích Israel và phòng không Syria vẫn còn ở phía trước, phần thắng khi đó chưa thể chắc chắn sẽ thuộc về ai.
Việt Dũng