Tờ Pentapostagma cho biết, chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 Felon thuộc lô sản xuất hàng loạt đầu tiên sau khi bàn giao đang phục vụ tại Trung tâm thử nghiệm bay Akhtubinsk của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Tại đó, dự kiến tiêm kích Su-57 sẽ được sử dụng làm nền tảng để đánh giá tên lửa siêu thanh, khi Tập đoàn Vũ khí Tên lửa chiến thuật Nga đang phát triển vũ khí này cho các tổ hợp hàng không quân sự.
Tờ báo Hy Lạp nhận định rằng sau khi trang bị cho các máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ 5 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, chúng sẽ trở thành cơn ác mộng thực sự đối với kẻ thù.
Nhưng ngay cả khi không có tên lửa siêu thanh, Su-57 vẫn nắm giữ nhiều lợi thế hơn so với sản phẩm tương tự của nước ngoài. Tờ Pentapostagma cảnh báo Felon có thể trở thành một kịch bản đáng buồn cho bất kỳ đối thủ nào gặp nó trên không.
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm do Nga sản xuất là sự kết hợp giữa đặc tính cơ động cao và khả năng bay hành trình ở tốc độ siêu thanh.
Đây là loại tiêm kích thế hệ thứ năm có sức mạnh vượt trội so với hầu hết đối thủ nước ngoài. Sự xuất hiện của tên lửa "Dao găm" trên Su-57 sẽ biến nó thành một phương tiện tác chiến thậm chí còn đáng gờm hơn, tờ báo Hy Lạp nói rõ.
Hiện tại chỉ có tiêm kích đánh chặn MiG-31K được trang bị tên lửa không đối đất siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal. Tuy nhiên trước đó loại vũ khí này cũng đã được thử nghiệm trên các phương tiện mang tên lửa chiến lược của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Tên lửa Kh-47M2 còn có khả năng biến Su-57 thành phương tiện chiến đấu đa năng thực sự. Do cả F-35 và J-20 đều chưa có tên lửa siêu thanh trong kho vũ khí nên tiêm kích tàng hình của Nga sẽ nắm lợi thế hơn về sức mạnh tấn công.
Trong diễn biến khác, có thông tin cho biết Nga sẽ giới thiệu phiên bản nâng cấp của Su-57 với động cơ giai đoạn hai mang tên Izdeliye 30 (Sản phẩm 30) vào năm 2022. Theo dự kiến cùng năm, Không quân Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận biến thể Su-57 cập nhật, tờ Military Watch tiết lộ.
Theo khẳng định từ Moskva, Izdeliye 30 sẽ là động cơ mạnh nhất thế giới từng được lắp đặt trên máy bay chiến đấu. Hiện tại Su-57 đang sử dụng AL-41F1 (động cơ giai đoạn đầu - Sản phẩm 117), một phiên bản cải tiến từ loại AL-41 vẫn lắp trên tiêm kích Su-35S.
Tiêm kích Su-57 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2010. Tới tháng 12/2020, Không quân Nga đã nhận được chiếc Su-57 thuộc lô sản xuất hàng loạt thứ nhất, dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm 4 máy bay nữa được bàn giao, nhưng kế hoạch trên có vẻ đã phá sản.
Tuy vậy nhà sản xuất đã cam kết rằng tốc độ chế tạo sẽ tăng lên hơn 15 chiếc mỗi năm để đảm bảo không chỉ đáp ứng nhu cầu của Không quân Nga mà còn cả nguồn cung để xuất khẩu.
Mặc dù chưa có khẳng định, nhưng Algeria được cho là quốc gia đầu tiên đã đặt hàng Su-57. Ngoài ra không thể loại trừ sự quan tâm nghiêm túc từ những đối tác truyền thống khác.
Sự chậm trễ trong việc sản xuất hàng loạt Su-57 có thể được giải thích một phần là do Nga muốn giảm thiểu số lượng máy bay lắp động cơ AL-41F1, mặc dù khối công suất này chỉ kém 9% so với động cơ F119 lắp trên F-22 Raptor của Mỹ.
Cần làm rõ rằng F119 hiện là động cơ mạnh nhất trên thế giới được sử dụng trong máy bay chiến đấu hai động cơ. Ngoài ra động cơ F135 cũng của Mỹ lắp trên tiêm kích F-35 Lightning II là loại mạnh nhất thế giới trong phân khúc tiêm kích một động cơ.
Nhưng khi Nga hoàn thiện Izdeliye 30, họ sẽ đẩy người Mỹ khỏi bục vinh quang ở cả hai hạng mục. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, động cơ máy bay của Liên Xô theo truyền thống luôn mạnh hơn các đối thủ phương Tây.
Theo nhận xét, sự trì trệ kéo dài 15 năm sau khi Liên Xô tan rã đã để lại hậu quả cho ngành hàng không Nga. Nhưng giờ đây Moskva đang bắt kịp và Sản phẩm 30 có thể được sử dụng trong nhiều phát triển khác của Nga, bao gồm tiêm kích hạng nhẹ Su-75 Checkmate.
Việt Dũng