Tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate sau màn ra mắt rất hoành tráng vào năm ngoái đang đối diện với một tương lai cực kỳ bất ổn, thậm chí có nguy cơ sớm bị khai tử.
Theo ông Sergey Chemezov - Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec, Su-75 dự kiến có những tính năng rất ấn tượng như tầm bay khoảng 3.000 km (không có thùng nhiên liệu bên ngoài) và tải trọng chiến đấu tối đa hơn 7 tấn.
Ông Chemezov cũng tuyên bố Su-75 sẽ mang theo một nhóm máy bay không người lái và tấn công đồng thời 6 mục tiêu. Nhưng điểm đáng chú ý là chi phí mỗi giờ bay của Checkmate sẽ rẻ hơn 7 lần so với tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Nhưng trước khi các quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Á hay Trung Đông sẵn sàng mở hầu bao để đặt hàng chiếc tiêm kích thế hệ mới được quảng cáo là ưu việt nhưng có giá thành rất rẻ của Nga, họ cần xem xét những yếu tố sau đây.
Chuyên gia Alex Hollings của tờ 19FortyFive nhấn mạnh: “Nga có một lịch sử liên quan đến sự phóng đại tính năng các vũ khí thế hệ mới do họ chế tạo".
"Có thể liệt kê ra đây từ robot bộ binh Uran-9 đình đám nhưng hoàn toàn vô dụng, cho đến tiêm kích Su-57 Felon - có khả năng tàng hình kém nhất trong các máy bay chiến đấu thế hệ 5 và hiện chỉ tồn tại với số lượng vô cùng ít ỏi”.
“Ngay cả những thiết kế thành công như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata cũng bị dập tắt khi thiếu kinh phí, và Nga không thể sản xuất hoặc đưa chúng vào trang bị với số lượng hợp lý”, chuyên gia Hollings nhấn mạnh.
Su-75 Checkmate thậm chí có thể không phải là một máy bay chiến đấu tàng hình đúng nghĩa, điều này được thể hiện qua lời tuyên bố cẩn thận của đại diện Tập đoàn Rostec vào tháng 11 năm ngoái:
"Điều quan trọng là máy bay có khả năng hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào bên ngoài khu vực hoạt động của vũ khí phòng không, từ đó cứu sống phi công", như vậy không có gì nghe giống như lời mô tả tự tin về chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5.
Các báo cáo ban đầu cho biết, Su-75 dự kiến bay vào năm 2025, nhưng sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 18/5, đại diện Rostec thông báo rằng việc sản xuất sẽ không bắt đầu cho đến năm 2027.
“ Rostec đang tiến hành nghiên cứu tài liệu thiết kế cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ", ông Chemezov cho biết và nói thêm: “Chúng tôi đã mượn các thiết bị và động cơ trên từ Su-57 Felon, nhưng đã cấu hình lại chúng".
Các khách hàng tiềm năng của Checkmate phải đặc biệt chú ý tới Su-57 Felon, nó đã được phát triển hơn 15 năm và chỉ có 3 chiếc ra đời từ dây chuyền lắp ráp hàng loạt. Trong chuyến bay đầu tiên, Su-57 đã bị rơi ngay sau khi cất cánh.
Khi đã chính thức đi vào hoạt động, Su-57 vẫn phải sử dụng động cơp hản lực cánh quạt vòng thấp Saturn AL-41F1, thiết bị này có từ những năm 1980. Do các lệnh trừng phạt kinh tế, Su-57 dự kiến không có động cơ mới cho đến cuối thập kỷ này.
Với một chiếc tiêm kích trải qua hàng chục năm phát triển trong điều kiện thuận lợi như Su-57 mà hiện nay Nga còn phải "trầy trật" hoàn thiện thì thật khó tin Su-75 đủ khả năng tung cánh trên bầu trời trong tương lai gần.
Những lệnh trừng phạt từ phương Tây theo đánh giá sẽ là chất xúc tác "khai tử" chiến đấu cơ tàng hình hạng nhẹ của Nga ngay từ giai đoạn phát triển.
Bạch Dương